KỸ THUẬT TRỒNG VÀ CHĂM SÓC CÂY CHUỐI NUÔI CẤY MÔ

Thảo luận trong 'Cây ăn quả' bắt đầu bởi nguyenvanteo, 24/10/18.

  1. nguyenvanteo

    nguyenvanteo Nguyễn Văn Tèo

    KỸ THUẬT TRỒNG VÀ CHĂM SÓC CÂY CHUỐI NUÔI CẤY MÔ

    Cây chuối tiêu hồng nuôi cấy mô: được nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô, cây sinh trưởng phát triển tốt, có tính đồng đều cao, năng suất ổn định, sau trồng 13 - 15 tháng cho thu hoạch.

    1. Thời vụ trồng: mùa xuân trồng từ tháng 2 - 4 và mùa thu trồng từ tháng 8 - 10.

    2. Kỹ thuật trồng cây chuối nuôi cấy mô

    2.1. Chuẩn bị đất trồng chuối: Cây chuối nuôi cấy mô phù hợp với nhiều loại đất, tốt nhất là đất phù sa có tầng đất mặt dày, tơi xốp, nhiều mùn, giàu dinh dưỡng, giữ ẩm và thoát nước tốt. Cây chuối sinh trưởng tốt ở những nơi ấm và ẩm, phân bố đều về lượng mưa trong năm 200 - 220 mm/tháng, nhiệt độ phù hợp 15 - 350C, độ pH đất khoảng 5-6.
    * Chọn đất: Chọn khu vực có điều kiện sinh thái thích hợp đối với cây chuối nuôi cấy mô, chọn vùng không có gió mạnh.
    * Làm đất: cày và bừa 2-3 lần đến độ sâu 0,5 m rồi cày lật thành từng luống. Chiều rộng mặt luống 2,5 m, rãnh rộng 0,5 m, sâu 0,3 – 0,5 m.
    * Mật độ, khoảng cách trồng: mật độ 1600-1700 cây/ha; Trồng giữa mặt luống, khoảng cách cây 2 - 2,5 m.

    2.2. Trồng cây: Cây giống chuối tiêu hồng nuôi cấy mô có chiều cao 20 – 25 cm; Trồng cây vào sáng sớm hoặc chiều mát. Tưới đủ nước cho cây sau khi trồng.

    2.3. Phân bón:
    Lượng phân bón lót cho một cây: Phân hữu cơ (phân chuồng hoai mục): 10 – 15kg; Phân lân Supe: 0,3 - 0,5kg; Vôi bột: 0,3 - 0,5kg.

    3. Biện pháp kỹ thuật chăm sóc:

    3.1. Trồng dặm: Khi trồng dặm lấy cây tương đương trong vườn, không trồng cây lớn hoặc bé hơn.

    3.2. Làm cỏ: Hạn chế cỏ dại trong vườn trồng chuối, việc làm này quanh năm trong suốt thời kỳ sinh trưởng của cây.

    3.3. Tưới nước: Cần tưới thường xuyên, tưới đủ ẩm cho cây trong thời kỳ sau trồng 1 tháng.

    3.4. Bón thúc phân:
    - Lượng bón cho 1 cây: 3 – 5 kg NPK tổng hợp
    - Cách bón: Xới rãnh nông theo vòng tròn cách gốc 25 - 30 cm, rải phân, lấp đất và tưới giữ ẩm. Sau khi mưa, có thể rải đều xung quanh gốc.
    Lần 1: Sau trồng 20 – 30 ngày bón 10% NPK tổng hợp
    Lần 2: Sau trồng 2 - 3 tháng: 20% NPK tổng hợp
    Lần 3: Sau trồng 5 tháng: 30% NPK tổng hợp
    Lần 4: Sau trồng 7-9 tháng: 40% NPK tổng hợp

    3.5. Che tủ đất
    - Che tủ đất bằng chất vô cơ như tấm plastic nhằm hạn chế cỏ dại.
    - Che tủ đất bằng chất hữu cơ rơm rạ, thân cây đậu, lạc, bã mía…

    3.6. Đánh tỉa chồi
    * Lựa chọn chồi cho vụ sau
    - Chồi khỏe mạnh, cân đối, cao dưới 1 m và lá chưa xoè rộng.
    - Chồi nằm trên cùng hàng với cây mẹ.
    - Lựa chọn những chồi đồng đều nhau.
    * Đánh tỉa chồi
    Dùng dao cắt ngang hoặc dưới mặt đất. Để tránh lây bệnh từ cây này sang cây kia, dụng cụ cần phải được khử trùng sau mỗi lần sử dụng bằng dung dịch formaldehit 10% trong 10 giây hoặc 5% trong 30 giây.

    3.7. Cắt tỉa lá: Cắt bỏ tất cả những lá bị treo trên cây và cả những lá chỉ còn dưới 50% diện tích lá khỏe mạnh. Nếu diện tích lá khỏe mạnh còn trên 50% thì không nên cắt bỏ mà chỉ cần làm vệ sinh; Dụng cụ cắt tỉa lá cũng cần được xử lý giống như dụng cụ đánh tỉa chồi.

    3.8. Ngắt hoa đực: Hoa đực thường được cắt bỏ ở vị trí khoảng 10 cm dưới nải quả cuối cùng. Dùng dao sắc để cắt và phải được khử trùng giống như đối với cắt tỉa lá và đánh tỉa chồi.

    3.9. Chống gió bão
    - Để hạn chế đổ khi cây có quả, dùng 2 cọc buộc chéo vào nhau theo hình chữ X đỡ lấy cổ buồng chuối, 2 chân cọc và thân giả đứng thành 3 chân kiềng.
    - Dùng dây nilông một đầu buộc phía trên thân giả sát cổ buồng chuối đầu kia chằng chặt vào gốc cây chuối bên cạnh hoặc ngang thân cây bên cạnh để giữ cho cây chuối đứng thẳng.
    - Mùa gió bão phải vun gốc cho rễ ăn sâu, che chắn bớt gió. Trước khi bão tràn qua có thể chặt bớt 1/2 - 1/3 tàu lá.
     
    thanthien, minhtritn, nghia and 3 others like this.
  2. nguyenvanteo

    nguyenvanteo Nguyễn Văn Tèo

    4. Phòng trừ sâu bệnh

    4.1. Sâu đục thân (Cosmopolites sordidus)

    - Triệu chứng: Sâu non thường sống trong thân giả, là pha gây hại chính. Từ chỗ đục tiết ra chất nhày màu vàng đục. Bị hại nặng, thân giả thối và lá chuyển vàng. Cây có buồng gãy gục ngang thân.
    - Phòng trừ :
    + Đặt bẫy trưởng thành: Tiến hành vào cuối tháng 2 đầu tháng 3. Chẻ tư thân giả dày 5-10 cm rồi úp mặt xuống đất. Mỗi khóm chuối đặt 1-2 bẫy. Sáng sớm bắt trưởng thành cho vào túi PE đem tiêu hủy.
    + Luân canh với cây trồng khác.
    + Vệ sinh đồng ruộng
    + Dùng Basudin 5G hoặc 10G rắc vào nõn cây chuối 3-5 g/cây vào cuối tháng 3 đầu tháng 4.

    4.2. Sâu gặm vỏ quả ( Basilepta sp.)
    - Triệu chứng: Trưởng thành gây hại là chính. Vỏ quả bị hại có vết sần sùi 1-2 cm, đôi khi liên kết với nhau thành từng đám làm xấu mã quả.
    - Phòng trừ :
    + Vệ sinh đồng ruộng
    + Phun Trebon hoặc Antafos trừ trưởng thành vào sáng sớm hoặc chiều mát các tháng cao điểm là 4,7,10.

    4.3. Bệnh chùn ngọn BBTV (Banana Bunchy Top Virus)
    - Triệu chứng: Lá ngắn, lá sau thường ngắn hơn lá trước. Cuống lá xếp sít nhau. Cây con lụi dần. Cây lớn không trỗ buồng hoặc trỗ buồng ngang thân giả.
    - Phòng trừ:
    + Trồng cây chuối nuôi cấy mô
    + Phun thuốc Trebon trừ rệp
    + Đánh bỏ và tiêu hủy cây bệnh

    4.4. Bệnh thán thư (Colletotrichum musae)
    - Triệu chứng: Nấm xâm nhập qua vết thương của quả non sau trỗ khoảng 30 ngày. Nấm tồn tại trên vỏ quả và xuất hiện lốm đốm trứng quốc khi quả chín.
    - Phòng trừ:
    + Bao buồng quả
    + Sau thu hoạch, xử lý quả bằng Bavistin hoặc Topsin

    5. Thu hoạch

    5.1. Độ chín của quả


    Độ chín có thể xác định bởi màu sắc hoặc độ đẫy quả. Tiêu thụ tại chỗ, nên thu hoạch khi quả đạt độ tròn căng và màu quả chuyển từ xanh sang hanh vàng. Tiêu thụ xa cần thu sớm hơn khi quả vẫn còn xanh và chưa tròn đầy.
    Độ chín cũng có thể xác định theo thời gian trỗ buồng. Tùy mùa vụ, khoảng thời gian từ trỗ buồng đến thu hoạch dao động trong khoảng 3 - 4 tháng.
    - Dùng cho xuất khẩu tươi: Độ chín từ 75 - 80% biểu hiện của quả hơi tròn cạnh, vỏ màu xanh nhạt, ruột trắng ngà.
    - Dùng để tiêu thụ trong nước hoặc chế biến: độ chín 90%, vỏ quả màu xanh vàng, quả tròn cạnh, ruột màu vàng. Khi buồng chuối có quả nứt là chuối đã già, nên thu hoạch ngay, để lâu sẽ có nhiều quả nứt và quả nứt dễ thối.

    5.2. Phân loại, đóng gói và bảo quản

    - Chọn buồng đúng độ chín, mã đẹp, không sâu bệnh, không xây xát, quả đều. Nếu xuất khẩu nải thì dùng dao sắc cắt ra từng nải, cắt cuống của nải thật ngắn, nhúng vào thùng chứa Topsin 0,1% để phòng trừ nấm bệnh gây thối quả, để ráo nhựa rồi dùng giấy bản buộc lại, xếp vào sọt tre, gỗ hoặc hộp cacton.
    - Khi vận chuyển phải bảo quản nhẹ nhàng, xếp vào lán, lán phải thoáng mát, cao ráo, gần đường giao thông. Để bảo quản được lâu dùng kho lạnh nhiệt độ 13-150C./.

    Nguồn: trungtamgiongcaytrong.vn
     

Chia sẻ trang này