Bàn thêm về sự lệch chuẩn thẩm mỹ trong xã hội Việt Nam

Thảo luận trong 'Chuyên Đề Nghệ Thuật - Mỹ Thuật' bắt đầu bởi caycanhthiennhien, 3/9/18.

  1. caycanhthiennhien

    caycanhthiennhien Administrator Thành viên BQT

    Bàn thêm về sự lệch chuẩn thẩm mỹ trong xã hội Việt Nam
    Một loạt các hiện tượng như: các ca khúc với ca từ nội dung tục tĩu, phản cảm, phim tự làm có rất nhiều hình ảnh thô tục được tung lên mạng, hút hàng triệu lượt người xem, hay cảnh nhiều nam thanh nữ tú sẵn sàng trút bỏ xiêm y, tạo dáng quằn quại lõa lồ trong đầm sen Hồ Tây Hà Nội đang gây bất bình lớn trong dư luận xã hội.

    [​IMG]
     
    minhtritn, hondat, Đam Mê and 4 others like this.
  2. caycanhthiennhien

    caycanhthiennhien Administrator Thành viên BQT

    Từ góc nhìn của người nghiên cứu văn hóa nghệ thuật, PGS, TS Nguyễn Thị Minh Thái gọi đó là sự sụp đổ về giá trị thẩm mỹ…

    – Thưa bà, hai ca khúc và bộ phim truyền hình có nội dung phản cảm đã chọn cách phát hành trên mạng xã hội, nhanh chóng thành “hiện tượng”, thu hút hàng triệu lượt người xem… Bà có thể lý giải các hiện tượng này?

    – Trong vài năm gần đây, khi các mạng xã hội phát triển với tốc độ chóng mặt, thì cũng tự nhiên hiển thị một độ chênh nhất định giữa trình độ dân trí và văn hóa mạng. Mạng xã hội bị sử dụng tùy tiện, không có cơ chế điều hành, giám sát, kiểm soát hiệu quả, và hiện nay, các mạng xã hội đều đang trong tình trạng người sử dụng thoải mái muốn làm gì thì làm. Và do không kiểm soát được mọi sự xuất hiện trên mạng, nên thông tin trên mạng hiện đang trở thành một “đống rác” khổng lồ, trong đó, có thể lẫn cả “vàng ròng” (dù rất hiếm và đáng tiếc), song phần nhiều vẫn là rác, đặc biệt là rác mang danh sáng tạo. Mạng đang trở thành nơi chứa tất cả những thứ gì người ta có thể nghĩ ra, bất chấp cái ngưỡng cần có, các giới hạn về cái đẹp mà chẳng sợ bị ai phản ứng hay kiểm định về chất lượng, hiệu quả, hậu quả thông tin.

    Dân tộc Việt Nam vốn là một dân tộc có truyền thống thẩm mỹ trong quan niệm kín đáo về chuyện phòng the. Khi bắt đầu tiếp xúc với văn hóa Pháp thì chuyện phòng the riêng tư của cá nhân đã được nhìn nhận khác đi, được Tây hóa, sau này được Mỹ hóa. Đó có thể là điều khó tránh và dễ xảy ra trong sự phát triển và hội nhập của xã hội Việt hiện đại. Tuy nhiên, những quan niệm Tây hóa vốn không phải là quan niệm của văn hóa Á Đông, khá là xa lạ, khá là trái ngược, nên một dân tộc mang “căn tính nông dân” như dân tộc Việt Nam, đã rất dễ gặp phải bi kịch của sự phát triển, do chưa được chuẩn bị về tâm lý, thẩm mỹ. Có khá nhiều người đang tiếp nhận ảnh hưởng từ nước ngoài với sự vọng ngoại thái quá, với thái độ lệch lạc, hào hứng nhặt về nhiều sản phẩm của văn hóa phương Tây mà không phân biệt được rác và văn hóa.

    Cư dân mạng hiện đang rất đông đúc và nhạy cảm. Họ đông đến mức nếu ai đó được nổi tiếng trên mạng/nhờ mạng, thì cũng đã là một giá trị. Thế giới mạng lại đang trong tình trạng hoàn toàn tự do, tự do tuyệt đối, nên những hiện tượng xả rác quá vô tư, tung tẩy trên mạng là có thể hiểu và lý giải được, từ góc nhìn văn hóa…
     
    minhtritn, hondat, Đam Mê and 4 others like this.
  3. caycanhthiennhien

    caycanhthiennhien Administrator Thành viên BQT

    – Dường như mỗi ngày, thế giới mạng lại đẩy xa hơn ranh giới của những điều có thể. Đáng suy nghĩ là, những điều đó lại tạo được hiệu ứng rộng rãi trong một bộ phận giới trẻ?

    – Cái đẹp là một phạm trù thẩm mỹ và cũng là cái thường nhật hiển thị trong con người và cuộc đời quanh ta, nếu không nhìn ra nó và thấu hiểu nó thì có khi sẽ làm cho nó tổn thương hoặc trở nên hết sức sống sít và thô bạo. Một số hiện tượng lệch chuẩn như hiện nay đang diễn ra, có thể gọi đó là sự sụp đổ về thẩm mỹ, và điều đó thì vô cùng hệ lụy, nó sẽ kéo theo sự sụp đổ của một số giá trị tinh thần khác, vì trong thẩm mỹ có đạo đức – đạo đức Phương Đông, vẻ đẹp Phương Đông, vẻ đẹp truyền thống của Việt Nam.

    – Bà có thể nói rõ hơn?

    – Thẩm mỹ liên quan đến tri thức và nhận thức. Có tri thức tốt mới hướng đạo được nhận thức. Những điều đó không tự nhiên mà có được, mà phải được học hành tử tế, được giáo dục tử tế từ trong gia đình đến nhà trường và xã hội. Ai cũng phải/được trưởng thành trong tam giác ấy: gia đình – nhà trường – xã hội. Xã hội hiện đại Việt Nam đang trên đường phát triển và hội nhập. Ngay từ những thập niên đầu của thế kỷ 20, nhà văn hóa Đào Duy Anh đã cảnh báo: Sự phát triển của xã hội nông nghiệp Việt Nam đi theo xu hướng phương Tây – công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa thì chắc chắn phải chịu cái gọi là bi kịch của sự phát triển -từ góc nhìn văn hóa. Sự khủng hoảng về thẩm mỹ hiện nay chính là một biểu hiện rõ của sự xuống cấp giá trị đạo đức thẩm mỹ, nằm ngay trong cái bi kịch ấy.

    Chiếc “yếm lụa sồi, chiếc khăn lưng đũi…” của cô gái quê ra tỉnh có một ngày trời, bị thay thế bằng “khăn nhung, quần lĩnh rộn ràng” trong bài thơ của Nguyễn Bính chính là phản ánh sự va đập, đổi dời giữa văn minh phương Tây và phương Đông trong văn hóa mặc. Song, câu chuyện hiện tại cho thấy sự va đập, sự đổi dời giữa truyền thống với hiện đại, và khi bị đứt gãy về các giá trị thẩm mỹ dân tộc, thì người ta trở thành những kẻ học đòi mù quáng mà chưa Việt hóa được để hình thành chuẩn thẩm mỹ mới, phù hợp với căn tính dân tộc mình.
     
    minhtritn, hondat, Đam Mê and 3 others like this.
  4. caycanhthiennhien

    caycanhthiennhien Administrator Thành viên BQT

    – Có nghĩa là nguy cơ đã được nhìn thấy trước, nhưng chúng ta vẫn không tránh được những hệ lụy?

    – Vấn đề đặt ra ở đây là quản lý và giáo dục. Tôi cho rằng, hiện trạng này có lỗi của những người quản lý và lỗi của những người làm giáo dục, vì họ đã không giáo dục cho thế hệ trẻ biết được cái ngưỡng – sự dừng lại nào thì vẫn cứ là cái đẹp, sự sảy chân nào thì sẽ sa vào cái hố của cái xấu. Thế giới mạng là tự do, mỗi người phải tự tạo ra cái ngưỡng đẹp cho chính mình.

    Từ nhiều năm nay, quá mải mê chạy theo những thay đổi của kinh tế thị trường, chúng ta đã bỏ quên sự giáo dục mang tính định hướng. Phó mặc cho nhà trường và xã hội, chúng ta đang để cho lớp trẻ tự do phát triển.

    Xã hội nào cũng có những quy chuẩn riêng, và cũng đầy những lỗ hổng cần phải trám lại. Với xã hội Việt Nam hiện tại, lỗ hổng đó chính là sự tác động của cha mẹ, và sự chuẩn bị về tâm lý để có thể độc lập khẳng định cái tôi trong thế giới phẳng hiện nay.

    Bên cạnh đó, cần phải có những người chịu trách nhiệm quản lý và ngăn chặn, chế ngự những rác thải trên mạng gây hại cho người sử dụng. Truyền thông có nhiệm vụ phải nhắc nhở. Nhưng truyền thông cũng chỉ có thể nhắc nhở bằng ngôn ngữ truyền thông, còn người quản lý phải nhắc nhở bằng cách khác: thí dụ, thưởng phạt đích đáng. Như thảm họa báo mạng chẳng hạn, nếu chỉ phạt 5 triệu thì hôm sau sẽ lại tiếp tục mắc lại lỗi cũ, nhưng nếu phạt 50 triệu, hay thậm chí 500 triệu thì sẽ không bao giờ có chuyện đó nữa. Với mạng xã hội, đây là câu chuyện liên quan cả thế giới. Song, không ít quốc gia, dân tộc đã tìm được cách chế ngự nó.

    Tuy nhiên, các cơ quan chức năng của chúng ta hiện vẫn chưa ý thức được đầy đủ nguy cơ này, và vẫn chưa dành quan tâm thích đáng cho sự phát triển của mạng xã hội. Mọi ứng xử dường như vẫn mang giải pháp tình thế. Sẽ có người nói: Cứ mặc cho nó phát triển. Nhưng tôi nghĩ khác: Tôi quan tâm đến sự phát triển tự do, phóng túng này, muốn điều chỉnh nó theo hướng lành mạnh, trong sáng, vì thấy nó ngăn cản sự phát triển của dân tộc tôi, nó làm xấu đi hình ảnh của dân tộc tôi, làm méo mó, tầm thường thẩm mỹ của dân tộc tôi. Phải có cách nào đó để hạn chế nó, tránh sự tổn thương cho dân tộc, nhất là về thẩm mỹ trong cuộc sống.

    – Xin cảm ơn những chia sẻ của bà.

    Theo NHÂN DÂN ONLINE (2014)
     
    minhtritn, hondat, Đam Mê and 4 others like this.

Chia sẻ trang này