Làm sao để nắm bắt được ý niệm về cái đẹp?

Thảo luận trong 'Chuyên Đề Nghệ Thuật - Mỹ Thuật' bắt đầu bởi caycanhthiennhien, 12/4/18.

  1. caycanhthiennhien

    caycanhthiennhien Administrator Thành viên BQT

    Làm sao để nắm bắt được ý niệm về cái đẹp?

    Tạo hóa (hay Nghệ thuật?) oái oăm thay, bày đặt ra cái đẹp, nhưng lại không cho biết cái chìa khóa của nó nằm ở đâu, sự vận động của nó như thế nào? Vậy thì trước tiên, ta cần xem xét xem ý niệm đẹp từ đâu mà có và làm sao nắm bắt được nó?

    [​IMG]
    Cái đẹp khó nắm bắt, bởi một lẽ đơn giản là “nó không có khái niệm, không tồn tại ở trong sự vật” (Kant (1724-1804), Critique du Jugement/Phê phán khả năng thẩm định, 1790). Ngay cả trong đầu óc con người, nó cũng không tồn tại dưới một hình dạng cụ thể nào cả. Cùng lắm, người ta cũng chỉ có thể hình dung được những yếu tố cấu thành của mó: một màu sắc, một chất liệu, một bố cục, một nhịp điệu hay một tỷ lệ (tỷ lệ vàng với những con số vàng)
     
  2. caycanhthiennhien

    caycanhthiennhien Administrator Thành viên BQT

    Ý niệm đẹp

    Một vật thể, một hiện tượng thiên nhiên hay một tác phẩm nghệ thuật, mà ta cho là đẹp, người khác cũng có thể thấy là đẹp, nhưng cũng có thể thấy là xấu. Tất cả đều tùy ở những quy ước, những định kiến có sẵn về cái đẹp mà mỗi người chúng ta đã hấp thụ được từ môi trường văn hóa, từ giáo dục mà ta nhận được, từ cộng đồng xã hội ở xung quanh. Do đó, sự nhất trí về một cái đẹp cụ thể nào đó đều chỉ có thể dựa trên một sự đồng thuận giữa con người với con người, trên những tiêu chuẩn và quy ước. Cũng do đó, mà cái đẹp chỉ có tính chất chủ quan (Kant, sdd).

    Hơn 30 năm sau Hegel tuy không phủ nhận quan điểm của Kant đã vạch ra đó, nhưng lại đưa ra một định nghĩa khác về cái đẹp và cho nó một nội dung thần bí, siêu nhiên. Theo ông, “cái đẹp” là “ý niệm về cái đẹp”, và suy cho cùng, thì đó chính là “lý tưởng tuyệt đối về cái đẹp”, và Hegel cho rằng nếu đã chấp nhận có một “lý tưởng đẹp” tồn tại, thì “khái niệm đẹp” cùng tồn tại. (Hegel, 1770-1831), Esthestique/Mỹ học – gồm những những bài giảng ở đại học Berlin (1818-1829). Thực ra, ở đây Hegel đã lấy lại một cái ý rất xưa và cũng rất thần bí của Platon (thế kỷ 5 tr.C.N.), cho rằng “con người nhận ra được cái đẹp là do nhớ lại được những ý tưởng tiên nghiệm (ý tưởng tuyệt đối của Thượng đế)”.

    Cũng may thay, là cái đẹp có khái niệm, chứ nếu có, thì chắc hẳn trong nghệ thuật sẽ chẳng còn điều gì là bí mật nữa, cái đẹp sẽ hết còn là “muôn hình muôn vẻ”, con người cũng sẽ hết còn có thể mơ tưởng đến mà “cái đẹp”, hay “người đẹp” lý tưởng nào nữa. Tất cả đều đã được an bài, đều đồng điệu, hay đơn điệu cả rồi, văn chương, nghệ thuật chắc cũng sẽ hết chuyện để nói! Người ta sẽ không còn phải bày đặt ra những ước lệ và những tiêu chuẩn để quy định cái đẹp. Cụ Nguyễn Du sẽ khỏi phải tả vòng vo để khen cái đẹp (quả là cái đẹp ước lệ !) của Thúy Kiêu và Thúy Vân (mà rút người ta cũng không biết được ai đẹp hơn ai):

    …Vân xem trang trọng khác vời
    Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang

    Hoa cười ngọc thốt đoan trang
    Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da

    Kiều càng sắc sảo mặn mà
    So bề tài sắc lại là phần hơn

    Làn thu thủy nét xuân sơn
    Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh…

    Xem như vậy, cái đẹp không có khái niệm cụ thể lại là một điểm vô cùng thuận lợi cho nghệ thuật và cuộc sống con người, nó cho phép con nguời tự do mơ mộng và tự do lựa chọn!

    Trở lại Kant và Hegel. Vào thời đại của hai triết gia này, những trào lưu, “nghệ thuật hiện đại” chưa ra đời, mãi đến cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, những ý tưởng mới mẻ, táo bạo, về nghệ thuật mới bắt đầu nở rộ (và đương nhiên, những lý luận về nghệ thuật cũng vậy). Do đó, Kant và Hegel đã chỉ có thể phân tích sự vận động của trí tưởng tượng, óc sáng tạo và cảm xúc thẩm mỹ thông qua những tác phẩm nghệ thuật của thời đại mình, tức là những tác phẩm cổ điển, ba-rốc, hoặc lãng mạn, hoặc xa hơn nữa, những tác phẩm của thời Phục Hưng, hoặc thời Trung cổ, về hội họa cũng như về điêu khắc và kiến trúc, trên cơ sở những lý thuyết nghệ thuật thịnh hành ở những thời đó.

    Bản thân Hegel cũng đã từng nói: “Những suy luận triết học không thể nào vượt qua thời đại của mình được” (Hegel, Mỹ học). Điều đó quá logic,vì người ta chỉ có thể suy ngẫm, phân tích và rút ra những kết luận, trên những việc đã làm, đã qua mà thôi. Trong cùng ý đó, chúng ta sẽ thấy rằng, trong nghệ thuật, có một hiện tượng tương tự, đó là lý luận và những quy tắc nghệ thuật chỉ có thể đến sau tác phẩm nghệ thuật (điều này Kant cũng đã từng nói đến trong tác phẩm kể trên).
     
  3. caycanhthiennhien

    caycanhthiennhien Administrator Thành viên BQT

    Những quy tắc và tiêu chuẩn về cái đẹp

    Ý niệm, hay ý thức về cái đẹp chỉ có thể hình thành sau khi con người đã được chiêm nghiệm nhãn tiền cái đẹp cụ thể của hiện tượng thiên nhiên, hay của một tác phẩm nghệ thuật trong thực tiễn. Điều đó có nghĩa là, cái đẹp trong thiên nhiên, hay cái đẹp của tác phẩm bao giờ cũng đi trước ý niệm về cái đẹp. Cũng như, tác phẩm bao giờ cũng đi trước các lý thuyết và quy tắc nghệ thuật của một trường phái. Điều này đã được thực tế chứng minh, và các triết gia như Kant và Hegel công nhận (xem Văn Ngọc, Nghệ thuật và lý luận nghê thuật, Tia Sáng).

    Nhìn vào những bước đầu của nghệ thuật kiến trúc trong các nền văn minh cổ như Ai Cập, Lưỡng Hà, Hy Lạp, chẳng hạn, ta thấy rằng nếu không trải qua kinh nghiệm xây cất những công trình kiến trúc đầu tiên, để rút ra những bài học về cái đẹp, cái xấu của chúng, thì người xưa chắc hẳn không thể nào thiết lập được những quy tắc về tỷ lệ và bố cục, để sau này xây nên những quần thể kiến trúc hoàn mỹ, như ở Karnak, Louxor, Saqquarah (Ai Cập); hay ở Ur, Eridu, Babylone (Lưỡng Hà) hoặc Acropole (Athènes, Hy Lạp). Cái đẹp hoành tráng của các công trình kiến trúc Ai Cập cổ, cũng như cái đẹp cổ điển, nhẹ nhàng và sinh động của những ngôi đền trên đỉnh đồi Acropole (Athènes, Hy Lạp), là những mẫu mực về cái đẹp của tỷ lệ, và ở một chừng mực nào đó, cái đẹp lung linh của nhịp điệu trên những hàng cột dưới ánh mặt trời.

    Trong hội họa, sự ra đời của mỗi phong cách, mỗi trường phái, đều là do phản ứng chống lại một phong cách, một trường phái khác.

    Hội họa ấn tượng, chẳng hạn, là phản ứng chống lại nền hội họa hàn lâm đang thịnh hành trong xã hội đương thời chống lại nền hội họa cổ điển, nói chung, chống lại các đề tài truyền thống, chống lại cách sử dụng các màu tối, và những đường viền khối… Song, cũng chính cách dùng màu đôi khi hơi máy móc, dựa trên những phát hiện khoa học về màu sắc của Chevreul (1786 -1889), và cách vẽ mờ ảo, hời hợt này, của trường phái ấn tượng, đã bị không ít các trường phái “hội họa hiện đại” đương thời phê phán một cách gay gắt, đặc biệt là Gauguin, Derain và sau này Paul Klee. Chính cái phản ứng mạnh mẽ đó đối với trường phái ấn tượng và đối với tất cả các trường phái Hiện thực tự nhiên kiểu Gustave Courbet, kể cả nền hội họa hàn lâm đương thời đã là một trong những động cơ thúc đẩy sự ra đời của các xu hướng hội họa hiện đại: Tượng trưng, Dã thú, Biểu hiện, Lập thể, Siêu thực, Trừu tượng, vào những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX.

    Cái đẹp của nhịp điệu được khai thác từ Cézannes, Van Gogh, và các trường phái Biểu hiện, Lập thể, Trừu tượng, mãi đến những năm 1930-1940, mới được đúc kết thành quy luật bởi Henri Michaux, và được tiếp tục triển khai vào những năm 1950 bởi Hartung, Soulages, Pouack, Zao – Wou- Ki… Trong hội họa cổ điển Trung Quốc, khái niệm nhịp điệu cũng đã xuất hiện từ thời nhà Lương, nhà Tùy (thế kỷ VI), với những quy tắc được đặt ra để thể hiện cái thần của sự vật. Nhưng trước đó, cũng đã có những bức tranh lụa từ thời nhà Hán và những bức bích họa trong các động đá ở Đôn Hoàng, với những nét vẽ giàu nhịp điệu.
     
  4. caycanhthiennhien

    caycanhthiennhien Administrator Thành viên BQT

    Sự vận động của cái đẹp

    Vớì một sự đam mê bản năng nhất định, con người săn tìm cái đẹp trong nghệ thuật ngay từ khi bắt đầu có nhu cầu diễn đạt tư tưởng và tình cảm bằng ngôn ngữ nghệ thuật tạo hình thay cho lời nói và chữ viết.

    Trải qua bao nhiêu thế kỷ, vượt qua nhiều chặng đường nghệ thuật, nhiều trường phái, phong cách, và xuyên qua các nền văn hóa khác nhau, cái đẹp mà mỗi nghệ sĩ mơ ước nắm bắt qua tác phẩm của mình, vẫn chỉ như thấp thoáng ở phía trước. Nó như một niềm khao khát khôn nguôi, một cái đích không bao giờ đạt tới. Với những sáng tác của mình, người nghệ sĩ không bao giờ thỏa mãn được đầy đủ nỗi niềm khao khát ấy, vì cái đẹp này săn tìm, cái đẹp lý tưởng, bao giờ cũng ở phía trước.

    Vậy thì cái đẹp lý tưởng đó là cái gì? Đâu là những bí quyết của sự “vận động” của nó?

    Cái đẹp có thể xuất hiện trong trí tưởng tượng của người nghệ sĩ tạo hình trong quá trình thực hiện một tác phẩm, tuy nhiên cái đẹp đó đôi khi cũng khó nắm bắt một cách cụ thể. Đôi khi đó chỉ là một hình tượng thoáng hiện, thoáng mất, như một ảo ảnh: một hình thể, một màu sắc, hay chỉ mơ ho một nhịp điệu chuyển động. Nó luôn luôn là cái gì vượt xa hơn cái mà người họa sĩ thực hiện được trên mặt vải, nhà điêu khắc trên vật liệu, hay người kiến trúc sư trên bản vẽ thiết kế và trên công trình xây dựng. Sau mỗi tác phẩm, nó vẫn thường day dứt, ám ảnh họ trong tiềm thức, và trong chừng mực nào, nó như một nguồn cảm hứng, soi đường và hướng dẫn họ trong những tác phẩm tương lai.

    Cái đẹp hay cái xấu, thường chỉ nhận biết được sau khi tác phẩm đã hình thành. Điều này tưởng như đương nhiên, nhưng phải trải qua kinh nghiệm mới thấy được rằng đây là một quy tắc nghệ thuật có tầm quan trọng của nó. Một nét vẽ, một hình thể một màu sắc, chỉ có thể hẻm nghiệm được là đẹp hay xấu, đúng hay sai, một khi đã hạ cọ, hạ bút xuống mặt vải, hay mặt giấy. Chẳng thế, mà các họa sĩ, các nhà điêu khắc, các kiến trúc sư, luôn luôn phải vẽ đi vẽ lại xóa đi xóa lại, hết phác thảo này đến phác thảo khác, hết tác phẩm này đến tác phẩm khác.

    Đôi khi cái đẹp xuất hiện một cách bất ngờ. Thí dụ nổi tiếng là giai thoại về bức tranh tượng hình quay ngược của Kandinsky khiến cho ông “ngộ” ra sự tồn tại của cái đẹp trừu tượng, tức cối đẹp thuần túy thẩm mỹ, độc lập với nội dung tượng hình của bức tranh. Tuy nhiên, bức tranh tượng hình để ngược đó chỉ như một cảm hứng đã thôi thúc Kandinsky đi vào con đường hội họa trừu tượng.

    Trong hội họa, nhất là hội họa trừu tượng, ta thường hay gặp những hiện tượng tương tự: một bức tranh để nghiêng đi nhìn, đôi khi lại thấy là nó đẹp hơn là khi nhìn thẳng, đó là vì khi nhìn nghiêng, bức họa trông “dày đặc” hơn, cả về màu sắc, đường nét lẫn nhịp điệu. Như vậy, có nghĩa là cái đẹp đôi khi tình cờ hình thành, hay xuất hiện, trong đầu óc ta, trong một số điều kiện bất ngờ nào đó, mà không phải chính ta sắp đặt. Cái chính vẫn là nhận ra được cái đẹp đó. Những bức tranh của trẻ em, ở một độ tuổi nào đó, nhiều khi làm chúng ta choáng ngợp, bất ngờ, về cái đẹp thẩm mỹ của chúng, trong khi những trẻ em đó thực ra chưa nhận thức được cái đẹp đó.

    Con người đi tìm cái đẹp trong mọi nền văn hóa, mọi nền nghệ thuật, thông qua nhiều trường phái, nhiều phong cách và nhiều quy ước khác nhau.

    Trong các nền nghệ thuật nguyên khai, hoặc nghệ thuật thổ dân, người ta có truyền thống sử dụng những biểu tượng, ký hiệu, để diễn đạt những thông điệp, những “giấc mơ truyền lại từ tổ tiên, mà người trong cùng một nền văn hóa mới có thể giải mã và thấy hết được cái đẹp của chúng. Các nền nghệ thuật này thường dẫm chân tại chỗ, không biến chuyển được với thời gian và có nguy cơ mai một, chính bởi vì đây là những nền nghệ thuật trong đó nội dung các truyện tích hòa quyện một cách chặt chẽ với hình thức các biểu tượng và ký hiệu. Khi những ký hiệu này đã mất hết ý nghĩa đối với người của một thời đại khác thì chúng chỉ còn là một thứ ngôn ngữ nghệ thuật trống rỗng, mất hết tính sáng tạo.

    Trong hội họa tượng hình, cùng một dòng hội họa hiện thực đấy, nhưng phong cách cổ điển, khác với phong cách ba-rốc, hay pong cách lãng mạn ở cả hình thức diễn đạt lẫn nội dung. Cái đẹp cổ điển, thường bị ràng buộc bởi nhiều khuôn phép hàn lâm về nội dung cũng như hình thức, cho nên đôi khi hơi khô khan, lạnh lẽo, khác với cái đẹp ba-rốc, hay cái đẹp lãng mạn, thường bay bổng, trữ tình.

    Cùng là những người mở đường cho hội họa hiện đại đấy, nhưng phong cách hiện thực của Gustave Courbet còn đượm ảnh hưởng của nghệ thuật truyền thống, khác hẳn với phong cách hiện thực của Manet, đã dứt khoát từ bỏ những quy ước của nền nghệ thuật này.

    Cái đẹp trong hội họa biểu hiện cũng khác với cái đẹp trong hội họa ấn tương. Một đằng, là cái đẹp của một ngôn ngữ giàu nhịp điệu và màu sắc mạnh mẽ, đôi khi dữ dằn, thể hiện một trạng thái nội tâm bi phẫn, ít nhiều nói tên thân phận bi đát của con người đương thời. Một đằng, là cái đẹp nhẹ nhàng, thơ mộng rủa một ngôn ngữ nghệ thuật sử dụng ánh sáng và màu sắc một cách tinh vi, nhưng thường chỉ để thề hiện những đề tài nhẹ nhàng, đôi khi vô thưởng vô phạt.

    Xem như vậy, ý niệm về cái đẹp trong mỗi trường phái nghệ thuật đều có những cơ sở lý thuyết khác nhau, dựa trên những quy tắc và tiêu chuẩn khác nhau. Những quy tắc và tiêu chuẩn đó đã được rút ra từ kinh nghiệm thực tiễn của quá trình sáng tạo.

    Điều tưởng như là một nghịch lý, là chính vì chúng không phải là những quy luật cứng nhắc, bất di bất dịch, mà hoàn toàn do trí óc con người tưởng tượng ra, cho nên nghệ thuật mới giữ được cái tính chất chủ quan, linh hoạt của nó, và cái đẹp mới còn có thể có muôn hình, muôn vẻ được.

    Theo TẠP CHÍ TIA SÁNG
     

Chia sẻ trang này