ĐIỂN TÍCH LÃ VỌNG

Thảo luận trong 'Hội Quán Tây Ninh' bắt đầu bởi dungphamdinh, 5/7/15.

  1. dungphamdinh

    dungphamdinh Phạm Đình Dũng

    Thân thế Lã Vọng và một số tên gọi khác:
    Tề Thái Công, tên thật là Khương Thượng (姜尚), tự là Tử Nha (子牙), nên thường được gọi là Khương Tử Nha (姜仔呀), là khai quốc công thần nhà Chu thế kỷ 12 trước Công nguyên và là vua khai lập nước Tề tồn tại từ thời Tây Chu đến thời Chiến Quốc trong lịch sử Trung Quốc.

    Khương Tử Nha được biết đến như một vị tướng tài vĩ đại và là người góp phần lập lên sự nghiệp nhà Chu kéo dài hơn 800 năm, là triều đại kéo dài nhất trong lịch sử Trung Quốc.

    Khương Thượng là người ở Đông Hải. Tổ tiên ông từng làm chức Tứ nhạc giúp vua Hạ Vũ trị thủy có công. Sử ký xác định tổ tiên ông được phong ở đất Lã vào khoảng thời vua Thuấn đến thời nhà Hạ, do đó lấy Lã làm họ. Ông còn được dân gian và các nhà nghiên cứu lịch sử gọi bằng nhiều tên khác như: Khương Thái Công; Thái Công Vọng, Lã Vọng.

    Sử ký còn dẫn thêm vài thuyết nữa về Khương Thượng:
    Ông từng đi làm quan cho vua Trụ nhà Thương nhưng thấy vua Trụ vô đạo nên bỏ nhà Thương, đi du thuyết các chư hầu nhưng cũng không thành công. Cuối cùng ông sang nước Chu với Tây Bá.

    Cơ Xương bị vua Trụ giam ở Dữu Lý. Bầy tôi của Cơ Xương là Tán Nghi Sinh và Hoành Yêu biết Khương Thượng là nhân tài bèn mời ông về hợp tác. Khương Thượng nhận lời về giúp Chu. Ông cùng Tán Nghi Sinh và Hoành Yêu đồng mưu tìm gái đẹp và vật lạ dâng vua Trụ để chuộc Tây Bá ra ngoài. Từ đó ông được Tây Bá Cơ Xương tôn làm thầy.

    Khương Thượng giúp Cơ Xương chấn chỉnh nội trị và xây dựng lực lượng nước Chu để mưu đánh đổ nhà Thương tàn bạo mất lòng dân. Ông giúp Tây Bá đánh các đất Sùng, Bí Tu, Khuyển, Di, mở rộng lãnh thổ nước Chu. Bờ cõi nước Chu rộng lớn, chiếm hai phần ba thiên hạ lúc đó.

    Ý nghĩa điển tích:
    “Lã Vọng câu cá” kể về Ông Khương Thượng thời nhà Chu ngồi câu cá trên một bến sông, nhưng cần câu không có móc. Thực ra mục đích của ông không phải là câu cá mà ngồi suy gẫm về thời cuộc. Chu Văn Vương đã thấy được tài năng trong con người ngồi câu cá này và đã vời ông về làm quan, sau này ông đã làm nên sự nghiệp cho nhà Chu. Tích này muốn nói muốn nói: muốn làm nên sự nghiệp phải biết dùng người và cũng phải biết chờ thời.

    Tổng thuật về các cứ liệu văn học liên quan:
    1. Bài Kẻ sĩ của Nguyễn Công Trứ có đoạn:

    “Lúc vị ngộ hối tàng nơi bồng tất

    Hưu hưu nhiên điếu vị canh Sằn

    Xe bồ luân dù chưa gặp Thang Văn

    Phù thế giáo một vài câu thanh nghị”.

    Những câu này cho thấy quan niệm của Nguyễn Công Trứ về kẻ sĩ là:

    “Lúc chưa gặp thời thì cứ thanh thản sống nơi lều cỏ

    Vui vẻ với thú câu cá trên sông Vị như Lã Vọng và cày ruộng như Y Doãn trên đất Sằn

    Tuy chưa gặp được các bậc minh quan như vua Thang, vua Văn

    Nhưng vẫn giữ vẹn đạo lý bằng việc nói những lời ngay thẳng”.

    2. Bài Thuật hoài của Đặng Dung (một danh tướng nhà Trần) có đoạn:

    “Thế sự du du nại lão hà

    Vô cùng thiên địa nhập hàm ca

    Thời lai đồ điếu thành công dị

    Vận khứ anh hùng ẩm hận đa”.

    Những câu này ý nói:

    “Việc đời dằng dặc mà ta đã già, biết làm thế nào

    Trời đất mênh mông đắm trong cuộc rượu hát ca

    Khi gặp thời, người làm nghề hàng thịt, kẻ câu cá cũng dễ thành công,

    Lúc lỡ vận, bậc anh hùng đành phải nuốt hận nhiều”.

    Cái ý “khi gặp thời, người làm nghề bán thịt, kẻ câu cá cũng dễ thành công” chính là nhắc tới Phàn Khoái, một dũng tướng của Hán Cao Tổ vốn xuất thân là một người bán thịt lợn và Lã Vọng, hơn 80 tuổi vẫn ngồi bên sông Vị, câu bằng lưỡi câu thẳng, cốt để chờ thời, gặp được minh chủ để thi thố tài kinh bang tế thế. Thực ra, còn có tích khác nói rằng, Hàn Tín, cũng là một đại tướng của Hán Cao Tổ, thuở hàn vi đã từng câu cá kiếm ăn, nhưng lâu nay, đa số chúng ta vẫn ngầm hiểu về ý “câu cá chờ thời” là để nói tới Lã Vọng, người câu cá cốt để chờ gặp minh chủ chứ không có mục đích mưu sinh.

    3. Trong tác phẩm Na Sơn tiều đối lục (Chuyện đối đáp của người tiều phu ở núi Na) trong tập Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ có đoạn:

    "“Sau khi nghe Trương Công ngỏ lời tuyên triệu...Tiều phu cười mà rằng:

    -Ta là kẻ dật dân trốn đời, ông lão già lánh bụi, gửi tính mệnh ở lều tranh quán cỏ, tìm sinh nhai trong búa gió rìu trăng; ngày có lối vào làng say, cửa vắng vết chân khách tục, bạn cùng ta là hươu nai tôm cá, quẩn bên ta là tuyết gió trăng hoa; chỉ biết đông kép mà hè đơn [9], nằm mây mà ngủ khói; múc khe mà uống, bới núi mà ăn; chứ có biết gì đâu ở ngoài là triều đại nào, vua quan nào?

    Bèn mời Trương ở lại làm tiệc thết, cơm thổi bằng hạt điêu hồ, canh nấu bằng rau cẩm đái, lại còn có mấy món rau suối khác nữa. Canh khuya chuyện trò, đều là những nghĩa lý đáng nghe cả, nhưng không một câu nào đả động đến việc đương thời. Hôm sau, Trương lại mời:

    - Những bậc quân tử đời xưa, không phải là không muốn giúp đời hành đạo; khi ẩn kín một chỗ, chỉ là còn đợi giá mà thôi. Cho nên tất có bức tiếu tượng đi tìm, rồi sau đồng Thương mới thấm nước, tất có cỗ hậu xa đi chở, rồi sau nội Mục mới thành công]. Nay phu tử lấy tấm thân vàng ngọc, ôm một bọc kinh luân, ngoài vòng vinh lợi, vùi lấp tiếng tăm trong đám người đánh cá hái củi, giấu tài giúp vua cứu dân, náu mình chốn rừng suối, vang tiếng đến cửu trùng; đốt nón lá, xé áo tơi, nay chính là đến lúc rồi đó. Dám xin bỏ bờ đập Phó Nham, ném cần câu sông Vị, đừng để uổng hoài khát vọng của bao kẻ thương sinh”.

    4. Tác phẩm Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu:

    Cùng với bài dự thi của bạn Nguyễn Loan, bài của thính giả Nguyễn Văn Luyến, xã Trung Hà, Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng cũng đã cung cấp những thông tin hữu ích liên quan tới điển tích Lã Vọng. Trong bài này, thính giả Nguyễn Văn Luyến trích dẫn hai lần cụ Nguyễn Đình Chiểu có vận dụng điển tích Lã Vọng trong tác phẩm Lục Vân Tiên. Đó là câu:

    “Thái Công xưa một cần câu

    Hôm mai sông Vị mặc dầu đua vui”;

    và câu:

    “Cam La sớm gặp cũng xinh

    Muộn như Khương Tử cũng vinh một đời”.

    Cặp lục bát thứ nhất, có lẽ đa số chúng ta đều hiểu rồi. Tuy nhiên, ở cặp lục bát thứ hai, những tưởng chúng tôi cũng nên nói thêm một chút để bạn đọc có thể hiểu rõ hơn. Cam La là tên của một người nước Tần thời Chiến Quốc. Người này sớm có tài thao lược, mười hai tuổi đã được cử đi sứ sang nước Triệu, vua Triệu phải thân chinh ra đón tận ngoài thành và sau đó nhượng lại đất cho Tần. Nhờ những công trạng đó mà sau này, khi trở về nước, Cam La được vua Tần phong cho chức Thượng Khanh. Như vậy, trong câu thơ “Cam La sớm gặp cũng xinh – Muộn như Khương Tử cũng vinh một đời”, cụ đồ Chiểu muốn nói rằng, công danh nếu đạt sớm được như Cam La khi mười hai tuổi tất nhiên càng quý, nhưng nếu có đến muộn như Lã Vọng, tức Khương Tử Nha, lúc hơn 80 tuổi thì cũng rất đáng tôn vinh.

    5. Sông Vị Thủy không tin lời bói

    Bến Đào Nguyên mong được trùng lai

    (Tryện nữ thần ở Vân Cát, Đoàn Thị Điểm, Hợp tuyển văn học trung đại Việt Nam thế kỷ X-XIX, tập 3, NXBGD 2009)

    6. Rủ dây dù ông Lã máy cần

    Trần trụi mặc Chử Đổng ngâm nước

    (Ngã ba Hạc phú – Nguyễn Bá Lân, như trên)

    7. Muốn trên cho sánh đức Nghiêu, Thuấn

    Muốn dưới thảy nên tài Y, Lữ

    (Sãi vãi – Nguyễn Cư Trinh, như trên)

    8.Hội nào bằng hội Mạnh Tân như vương sư họ Lã

    Trận nào băng trận Duy Thủy như quốc sĩ họ Hàn

    (Bạch Đằng giang phú – Trương Hán Siêu, Sách giáo khoa ngữ văn 12. Tập 2, NXBGD, 2006)

    Hai câu này ý nhắc tới Lã Vọng, tức vương sư họ Lã đã có công giúp Chu Vũ Vương hội quân chư hầu ở bến Mạnh Tân, và nhắc tới Hàn Tín, tức quốc sĩ họ Hàn, một vị tướng tài của Hán cao tổ Lưu Bang đã giúp minh chủ đánh tan quân Tề ở Duy Thủy.

    9. Khát nước song trông dòng đục không vờ

    Phao Vị Thủy lênh đênh, bạc đầu Lã ngồi dai ho khụ khụ.

    (Tài Tử đa cùng phú – Cao Bá Quát, Thơ văn Cao Bá Quát, NXB Văn học, 1997)

    Đây là hình ảnh mà nhà nho Cao Bá Quát tự vẽ mình theo cách vừa trào lộng, vừa đề cao khí tiết của người tài tử gặp lắm nỗi cùng cực trong đời.

    10. Bõ khi xưa ở ẩn câu cá

    Mà nay dùng ở chỗ cột to

    (Bàn luận tam nguyên – Dân tộc Tày, Tổng tập văn học Việt Nam, NXB Khoa học xã hội, 1996)

    11. Luận tài năng, suốt Tây Kinh Đông Hán chưa ai

    So huân nghiệp dẫu, Châu, Thiệu Thái Công khá ví.

    (Hàn vương tôn phú – Đặng Trần Thường, Dương Quảng Hàm, Việt Nam thi văn hợp tuyển, NXB Hội nhà văn, 1998)

    Cũng phải nói thêm về bài phú này để bạn nghe đài biết rõ hơn về bối cảnh hai câu thơ vừa trích dẫn. Theo GS. Dương Quảng Hàm trong Việt Nam văn học thi tuyển, Đặng Trần Thường vốn là người Hà Đông, thuộc Hà Tây cũ, từng đỗ sinh đồ thời Lê, sau khi nhà Lê mất, Đặng Trần Thường không làm quan cho triều Tây Sơn mà lại vào đầu quân cho Nguyễn Ánh và được làm tới chức Binh bộ Thượng thư. Tuy nhiên, sau ông mắc lỗi, bị bắt giam. Thời gian trong ngục ông đã làm bài phú này. Đây là bài phú kể về cuộc đời của Hàn Tín, một tướng tài giúp Lưu Bang lấy được thiên hạ. Nhưng về sau, vì nghi ngờ lòng trung của Hàn Tín, Lưu Bang đã giết chết vị danh tướng này. Khi làm bài phú Hàn vương tôn phú, bài phú tôn vinh vị vua họ Hàn, chúng ta ngầm hiểu, Đặng Trần Thường cũng ví mình như Hàn Tín vậy. Hai câu “Luận tài năng, suốt Tây Kinh Đông Hán chưa ai – So huân nghiệp, dẫu Châu, Thiệu, Thái Công khá ví” nhằm ca ngợi Hàn Tín, xét về tài nằng, khắp cả Đông Hán và Tây Hán đều không có ai sánh kịp, còn xét về công trạng thì các tướng giỏi của nhà Chu là Châu công, Thiệu Công và Thái Công (tức Lã Vọng) cũng đều không sáng được.

    12. Kìa kìa Lữ Vọng câu Bàn Thạch

    Nọ nọ Nghiêm Quang náu Phú Xuân

    (Bạch Vân quốc ngữ thi tập – Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Bỉnh Khiêm, thơ văn Nguyễn Bỉnh Khiêm, Tập 1 Bạch Vân quốc ngữ thi tập, NXBGD 1989)

    13. Ngoài việc trích dẫn hai cứ liệu thơ này, thính giả Nguyễn Văn Luyến cũng đưa thêm hai thông tin khác rất đáng quan tâm, đó là khi vua Trần Thánh Tông soạn bài văn bia ở sinh từ (tức đền thờ ngay khi còn sống) của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, vua đã ví ông như Thượng phụ, tức Lã Vọng, một khai quốc công thần thời nhà Chu. Cũng như thế thì Thái sư Trần Thủ Độ cũng đã được Trần Thái Tông truy tặng là Thượng phụ Trung Vũ Đại Vương vì đã có công sánh ngang với Lã Vọng trong việc phò giúp nhà Chu.

    (Sưu tầm từ BBT Chương trình Tìm trong kho báu.)
     
    3 people like this.

Chia sẻ trang này