Báo Bình Thuận Online Phỏng Vấn Về Mai Tết.

Thảo luận trong 'Trong nước' bắt đầu bởi huongdongconoi, 26/1/15.

  1. huongdongconoi

    huongdongconoi Thương Thành viên BQT

    Khó... như chăm cây mai

    BT- Lác đác trên đường phố đã bắt đầu hình thành những tụ điểm hoa, cây kiểng đón Tết Ất Mùi 2015. Nhiều nhà vườn mai tận Bình Định, Phú Yên cũng chuẩn bị đổ bộ vào Nam. Tại Phan Thiết, các vườn cây kiểng như Đàm Hiếu, Vĩnh Hưng cũng chuẩn bị hàng cung cấp tết cho người dân. Tuy nhiên, để chăm sóc tốt cây mai tết, hay những cây kiểng cho lộc non đón chào năm mới là việc không phải ai cũng làm được...


    [​IMG]

    Đỏng đảnh như mai

    Khác với miền Bắc, từ miền Trung vào đến miền Nam cây mai gần như có mặt trong mọi nhà dịp xuân về tết đến. Nhưng, cứ mỗi năm “điệp khúc nở muộn, nở sớm” gần như những người tay ngang đều gặp phải. Tại nhà vườn thôn Kim Bình, xã Hàm Thắng, Hàm Thuận Bắc do anh Võ Thanh Thương làm chủ, chúng tôi đã được anh chia sẻ những kinh nghiệm về chăm sóc cây mai đón tết. “Trồng mai muốn có hoa đẹp đón tết là một quá trình ngay từ đầu năm, chứ không phải bây giờ. Chăm sóc mai phụ thuộc vào nhiều yếu tố thời tiết, cách chăm sóc, chế độ phân bón...”, anh Thương - một nghệ nhân trồng kiểng, bon sai nổi tiếng khắp khu vực Đông Nam bộ, bắt đầu câu chuyện.

    Lâu nay, nhiều người lầm tưởng và truyền tai nhau kinh nghiệm nhưng bây giờ chăm sóc cây mai để ra hoa đẹp không còn rập khuôn cứ rằm tháng chạp là lặt lá, mà phải theo dõi dịch bệnh, biến đổi khí hậu, thể trạng của từng cây. Thời tiết lạnh thì lặt lá như thế nào, nóng thì lặt lá ra sao. Anh Thương cho biết: “Nếu đến thời điểm này, cây mai nào không có nụ là thua”. Một cây mai nếu chăm sóc tốt, đầy đủ chất dinh dưỡng một nụ có thể ra 5 hoa. Anh chỉ cho chúng tôi cách phân biệt từng nụ hoa mai, nụ hoa phải phải đều, tròn. Nếu nụ hoa có hình dạng ngòi viết thì khó trổ bông và nếu xử lý bằng phân bón thì hoa cũng không được như mong muốn.

    Không chỉ chăm sóc cho thể trạng của cây, mà khi lặt lá mai cũng phải “xem” thời tiết, lạnh thì lặt lá xanh sớm hơn, lá già lặt trễ hơn, lặt lá xong mới cắt cành. Thông thường, nếu 23 tháng chạp nụ hoa tróc vỏ lụa (còn gọi là vỏ trấu) thì mầm hoa sẽ nở đúng mùng 1 tết, nếu trễ thì sẽ xử lý nhưng hoa cũng sẽ trễ và phụ thuộc vào thời điểm mình kích thích nụ hoa. Anh Võ Thanh Thương cũng chia sẻ, để nhận biết cây mai có thể trạng tốt, có thể quan sát thấy lá dày, bóng tốt, không bị tác hại của sâu bệnh, nếu lá hư cây mai sẽ hư. “Nhiều người sai lầm khi thời điểm này tăng hàm lượng đạm cho cây, đạm nhiều nụ hoa sẽ bung và trổ sớm, hoặc dẫn đến tình trạng cháy lá”. Càng không thể tác động vào hệ rễ trong chậu, chỉ trừ trường hợp cây mai được trồng bên ngoài đưa vào chậu. Để có một cây mai đẹp, hoàn hảo cần cả quá trình kéo dài một năm.

    Thị trường tết không thiếu

    Ngoài cây mai, nhiều gia đình còn chuẩn bị chăm sóc lại vườn cây hoặc mua thêm cây xanh để trong nhà đón chào những lộc non báo hiệu sự may mắn và thịnh vượng. Đối với nhiều loại kiểng khác, thì việc chăm sóc đơn giản hơn bởi chu kỳ phát triển lá non của cây kiểng, bon sai chỉ trong vòng 15 - 20 ngày nên người chơi cũng nên lặt lá trước đó 20 ngày, đúng ngày tết sẽ nảy lộc mới. Thông thường vào đầu tháng chạp phải chuẩn bị cho cây thay áo mới, vô dây, xịt thuốc, vệ sinh, đắp rêu...

    Là một nghệ nhân có tay nghề giỏi về bon sai, chăm sóc mai kiểng anh Võ Thanh Thương thường được người trong giới mời tập huấn và truyền đạt kinh nghiệm ở rất nhiều tỉnh, thành như Tây Ninh, Tiền Giang, Đồng Tháp... Sau khi lập gia đình, anh về định cư tại thôn Kim Bình, xã Hàm Thắng và bắt đầu truyền nghề cho những học trò có đam mê, không lấy thù lao. Anh nhận định: Năm nay lượng mai ở các nhà vườn chuyên nghiệp ở khu vực miền Trung như Bình Định, Phú Yên rất khả quan và ổn định. Giá mai dao động từ 800.000 -1.000.000 đồng/chậu. Tuy nhiên, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và TP. HCM cây mai chưa sôi động gì nhiều, vì năm nay khu vực này bị ảnh hưởng thời tiết. “Kinh nghiệm đi mua mai đẹp, phải để ý xem nụ hoa có đồng đều, nếu đều sẽ trổ đồng loạt không mất sức” - anh Thương nói.

    Tuy nhiên theo anh Võ Thanh Thương, đây là những kinh nghiệm trong bao nhiêu năm anh cùng với nhiều nghệ nhân ở khắp nơi nghiên cứu và chia sẻ kinh nghiệm cho nhau, chứ thời điểm này chưa có một nghiên cứu chuyên môn mang tính khoa học dành cho cây mai. Được biết, hiện tại chỉ có Khoa ứng dụng công nghệ sinh học (Đại học Cần Thơ) đã nghiên cứu thành công những loại thuốc để bảo vệ cánh hoa, giữ lâu tàn, hoặc kích thích cho mầm hoa trổ tốt hơn.

    Quang Nhân
    Link : http://www.baobinhthuan.com.vn/van-hoa/kho-nhu-cham-cay-mai-73421.html
     
  2. huongdongconoi

    huongdongconoi Thương Thành viên BQT

    Báo Giấy Online Đăng bài. Trang 9
    Xem link : http://www.baobinhthuan.com.vn/bao-giay.aspx?newsid=0&issueid=1088
     
    9 people like this.

Chia sẻ trang này