Con Đường Bao Dung - Trong văn hóa và huyền sử Việt Nam 1

Thảo luận trong 'Sống đẹp - Sống vui' bắt đầu bởi thanthien, 13/4/18.

  1. thanthien

    thanthien Trần Thanh Thiện Thành viên BQT

    Con Đường Bao Dung - Trong văn hóa và huyền sử Việt Nam 1

    Nguyễn Văn Thành


    Bài 1

    Bao dung trong Văn Hóa và Huyền Sử Việt Nam
    Kính thưa Anh Chị Em Đồng bào, Các bạn trẻ thân mến,

    Tôi rất hân hạnh và cảm động được Ban Tổ chức của Trung Tâm Văn Hóa Nguyễn Trường Tộ (*) gọi về tham dự ngày họp mặt, vào mùa hè năm 2008 này. Thêm vào đó, Trung Tâm còn giao phó cho tôi trách nhiệm trình bày và chia sẻ về đề tài “Bao Dung trong Văn Hóa và Huyền Sử Việt Nam”.

    Trước tiên, tôi xin thú thật với tất cả quý vị: tôi đang phân vân và lo ngại làm sao tôi có thể trao đổi và điều hợp buổi hội luận một cách nghiêm chỉnh về đề tài nầy, chỉ trong vòng trên dưới một hai tiếng đồng hồ mà thôi. Nói khác đi, làm sao tát cạn được một vấn đề, mà tôi đã học hỏi và nghiên cứu, trong bao nhiêu tháng tháng và năm năm, từ lứa tuổi mới lớn lên cho đến ngày hôm nay?

    - Trước hết, từ khi đi vào lứa tuổi “tam thập nhi lập” (khả năng tự lập của tuổi 30),

    - Cho đến giai đoạn tiếp theo là “tứ thập nhi bất hoặc”(không còn bị mê hoặc và sai lầm, vào tuổi lên 40)

    - Ngang qua giai đoạn thứ ba là “ngũ thập nhi nhĩ thuận” (biết lắng nghe tiếng kêu đau thương của bà con xa gần, sống hai bên cạnh, từ khi tôi đi vào lứa tuổi 50),

    - Sau đó, trong giai đoạn thứ tư là “lục thập nhi tri thiên mệnh” (khả năng nhận ra ý định nhiệm mầu của Trời Đất, vào lứa tuổi 60),

    - Bây giờ là giai đoạn thứ năm “thất thập nhi tùng tâm” (đi theo tiếng gọi của Con Tim hay là con đường Tình Yêu, từ tuổi 70 trở lên),

    - Cho đến một hôm không còn xa bao lăm, tôi sẽ trở thành “cổ lai hy” (con người thiên cổ, hòa mình với cát bụi và phân bón, nhằm tưới tẩm và nuôi sống những mùa màng đang từ từ lớn lên trong lòng của Quê Hương)…

    Thay vì trình bày nhiều chi tiết rất quan trọng có mặt trong những giai đoạn hoặc lứa tuổi khác nhau, vừa được đề xuất, bài chia sẻ này chỉ muốn kêu mời quý vị và các bạn hãy cùng tôi khảo sát 3 câu hỏi chính yếu sau đây:

    - Câu hỏi thứ nhất: BAO DUNG có nghĩa là gì? Lý tưởng mà chúng ta hướng đến hay là viễn ảnh Bao Dung mà chúng ta khát khao, tìm kiếm và cố quyết thực hiện cho đời mình cũng như cho Anh Chị Em Đồng bào, bao gồm những giá trị then chốt nào?

    - Câu hỏi thứ hai: Trong hiện trạng của bản thân và cuộc đời, cũng như trong hiện tình của Quê Hương và Đất Nước Việt Nam, con đường bao dung ấy đang gặp những khó khăn và trắc trở như thế nào? Vì lý do gì?

    - Câu hỏi thứ ba: Trên con đường trải dài từ khởi điểm đến tận điểm, chúng ta cần ngày ngày tiến lên những giai đoạn cụ thể như thế nào? Đâu là những động tác cần thiết, mà chúng ta cố quyết thực hiện, ngay bây giờ, với tất cả con tim cũng như trí óc, để trở thành con người có bản sắc bao dung. Nói khác đi, chúng ta không những CHỈ bao dung ở đầu môi chót lưỡi, hay là với những câu nói tuyên truyền láo khoét. Trái lại, con đường Bao Dung cần có mặt,trong từng quan hệ tiếp xúc và trao đổi của chúng ta với anh chị em đồng bào, ở đây và bây giờ, trong giây phút hiện tại của cuộc đời.
     
  2. thanthien

    thanthien Trần Thanh Thiện Thành viên BQT

    Phần thứ nhất

    Con đường Bao dung
    trong cuộc đời làm người của chúng ta



    Muốn tìm hiểu ý nghĩa thâm sâu của con đường Bao Dung, trong nền Văn Hóa Việt Nam, theo ý kiến của tôi, nhân vật lịch sử cần được chúng ta qui chiếu một cách đặc biệt, là NGUYỄN TRÃI.

    Hẳn thực, vào mùa thu năm 1427, sau gần 10 năm kháng chiến chống ngoại xâm, nghĩa quân Lam Sơn của Lê Lợi – sau nầy sẽ trở thành Vua Lê Thái Tổ (1428-1433) - đã từ từ lớn mạnh và thu gặt nhiều thắng lợi vẻ vang. Viện quân bao gồm hơn 10 nghìn binh sĩ thiện nghệ, do Minh Triều từ phương Bắc gủi qua, bị phục kích và đánh tan tơi bời, phải rút về khỏi biên giới Đại Việt. Tàn quân còn đóng lại tại Đông Quan hay là Thủ đô Thăng Long (Hà Nội), bị bao vây tứ phía. Rốt cùng, viên tướng chỉ huy quân Minh là Vương Thông phải viết thư cho Lê Lợi xin nghị hòa.

    Nghe tin ấy loan ra, toàn thể tướng lãnh, binh sĩ của Đại Việt, cũng như đoàn lũ bô lão, phụ nữ… từ khắp nơi tấp nập kéo nhau về yêu cầu Lê Lợi hãy tàn sát, tận diệt quân Minh, để báo thù cho Tổ Tiên và các Vong Linh đã hy sinh cho Đất Nước, trong vòng suốt 20 năm.

    Toàn quân và toàn dân có mặt, đều vái lạy và kêu van: “Xin hãy giết sạch lũ giặc Tàu”.

    Trong tình huống ấy, duy một mình NGUYỄN TRÃI, đơn thân độc mã, đã đứng lên đối diện với quần chúng đầy thù hận, can đảm trình bày và đề nghị Con Đường BAO DUNG, với những lời lẽ như sau:

    “Trong hoàn cảnh hiện nay, tấn công quân thù và uống máu chúng… thì chả khó khăn gì đối với chúng ta.

    Nhưng dự phóng lớn lao phải được xây dựng trên NHÂN NGHĨA và CÔNG CHÍNH.

    Nhân đức đầu tiên và cuối cùng của chúng ta là ở chỗ biết bảo toàn các sinh mệnh, để dành cho những viễn cảnh lâu dài và to lớn hơn”. Nói khác đi, một cách dễ hiểu hơn, là mỗi người trong chúng ta – tuyệt đối không một ai bị loại trừ - có trách nhiệm trối lại cho các thế hệ con em của chúng ta sau này, một gia sản hay là một bài học về Lòng Từ Tâm và Bao la, Đại Lượng và Dung Thứ”.

    Sau lời phát biểu đầy nhân đạo và rộng lượng ấy, NGUYẼN TRÃI đã thinh lặng và LẮNG NGHE, ghi nhận nhiều vấn nạn nổi lên từ mọi phía. Trong số đó, có nhiều lời chỉ trích rất tàn ác và xiên xẹo… Nhiều lời mạ lị rất hèn hạ, lợi dụng cơ hội để bùng nổ và xuất hiện…

    Trong cách trả lời của NGUYỄN TRÃI, chúng ta cần ghi nhận những bước đi lên sau đây:
    • Thứ nhất, một cách thành tâm, thanh thản và đầy thân ái, Nguyễn Trãi không từ chối hay là phản bác những lý luận của bà con đã được phát biểu. Trái lại, Nguyễn Trãi đã coi trọng và nhìn nhận xúc động của họ. Lòng ước muốn báo thù là một tình cảm tự nhiên và chính đáng, nhất là sau gần 20 năm bị quân Minh tấn công, đàn áp và ức hiếp.
    • Thứ hai, bên cạnh nhu cầu báo thù, Nguyễn Trãi đã GÂY Ý THỨC cho mọi người nhìn thấy rằng họ còn có những nhu cầu làm người cao cả, trọng đại và lâu bền hơn. Nhu cầu báo thù sẽ bùng lên và vụt tắt như ngọn lửa rơm. Trái lại, chúng ta cần phát huy lòng nhân từ và khoan hậu, để xây dựng một Đất Nước trường tồn, trọng đại và cao cả. Một Đất Nước Vạn Xuân. Một Đất Nước Đại Việt, ngày ngày biết vươn mình lên thấu tận Bầu Trời là quê hương đích thực của Mẹ Âu Cơ.
    • Thứ ba, Nguyễn Trãi kêu mời mỗi người con của đất nước Đại Việt hãy ngày ngày tưới tẩm hạt mầm hòa bình và nhân đạo trong quả tim, để từ ngay bây giờ có thể trối lại cho các thế hệ tương lai một bài học “làm người” được cô động một cách tuyệt diệu, trong hai vần thơ sau đây:
    “Lấy ĐẠI NGHĨA mà thắng hung tàn,
    “Đem CHÍ NHÂN mà thay cường bạo”.​
     
  3. thanthien

    thanthien Trần Thanh Thiện Thành viên BQT

    Phần Thứ Hai

    Những chướng ngại lớn lao
    trên con đường Bao Dung


    (Bốn loại tinh yêu ma quái trong lòng Đất Nước)
    Qua vài ba câu nói vắn gọn của bài Bình Ngô Đại Cáo vừa được trình bày trên đây, Nguyễn Trãi đã nhắc lại cho mỗi người trong chúng ta bài học “BAO DUNG, ĐỒNG CẢM, CHIA SẺ”, đã có mặt trong Huyền Sử và Văn Hóa Việt Nam, từ ngày Lập Nước, cách đây hơn 4000 năm. Bài học “LÀM NGƯỜI” ấy đặt nền móng trên những giá trị như Đại Nghĩa và Chí Nhân, Từ Tâm và Thứ Tha, Cao Thượng và Bất Bạo Động, Tôn Trọng Sự Sống của muôn loài muôn vật và muôn người trong Trời Đất.

    Phải chăng từ ngày môi miệng còn thơm mùi sữa của Mẹ, mỗi người trong chúng ta đã biết líu lo và bập bẹ những bài ca dao nói về lòng Bao Dung:

    - “Nhiễu điều phủ lấy gia gương,
    “Người trong một Nước hãy thương nhau cùng”.


    - “Bầu ơi thương lấy Bí cùng,
    “Tuy rằng khác giống, cùng chung một giàn”.


    - “Một miếng khi đói bằng một đọi khi no”.

    Hẳn thực, Bao dung là con đường tất yếu của những ai mang danh hiệu là con Rồng cháu Tiên. Mẹ của chúng ta là Bà Âu Cơ. Quê Hương của Mẹ là Bầu Trời Cao Cả và Đại Lượng. Cha của chúng ta là Lạc Long Quân. Quê Hương của Ngài là Biển Cả Mênh Mông, là Đại Dương Bao La và Bát Ngát. Nhờ Tình Thương âu yếm của hai người Cha Mẹ đầu tiên ấy, chúng ta đã được cưu mang cùng một lúc, trong một bào thai duy nhất. Cho nên từ ngày ấy cho đến nay, chúng ta có tập tục gọi nhau là Anh Chị Em Đồng Bào.

    Trong tinh thần và lăng kính ấy, con đường hay là quan hệ Bao Dung bao gồm ba chiều kích quan trọng, trong BẢN SẮC “Làm Người” của người Việt Nam:
    • Chiều kích thứ nhất là Trời, Quê Hương của Mẹ chúng ta. Trời ở đây không phải chỉ là một ý niệm hoàn toàn lý thuyết, trừu tượng và duy tâm. Trời là Nguồn Gốc, là nơi xuất phát của chúng ta. Hẳn thực, khi Mẹ Âu Cơ cưu mang chúng ta trong cung dạ, Mẹ đã rót vào trong quả tim của chúng ta, dòng máu của Trời. Trời có mặt trong các bài ca dao và tục ngữ, mà mẹ đã hát lên, để ru chúng ta ngủ lúc chiều tối. Trời là Ngôi Nhà để chúng ta trở về, sau một cuộc đời lam lũ, chân lấm tay bùn, lên đồng cạn xuống đồng sâu. Mẹ đã ôm ấp chúng ta thế nào trong những ngày tấm bé, thì chúng ta cũng bắt chước Mẹ, mở rộng hai cánh tay, để sẵn sàng đón nhận mọi người anh chị em xa gần, tản mác khắp năm châu bốn bể, nhất là những ai đói rách, một ngày chưa có một loong gạo để lót lòng. Bài học đầu tiên của chúng ta phải chăng là “tứ hải giai huynh đệ”, bốn biển một nhà?
    • Chiều kích thứ hai là Đất, Quê Hương của Người Cha chúng ta. Đất ở đây là Nước Non, Núi Rừng, Biển Cả mênh mông. Đất ở đây có nghĩa là “Nam Quốc Sơn Hà, Nam Đế cư”, trong bài Hịch Tướng Quân của Lý Thường Kiệt, trước khi lên đường đánh tan quân Nguyên. Đất được coi trọng, trong lời nhắn nhủ “bao nhiêu tấc đất, tấc vàng bấy nhiêu”. Cho nên chúng ta sẵn sàng hy sinh tính mạng để bảo vệ và gìn giữ. Không ý thức về chiều kích thứ hai nầy, chúng ta sẽ là những tên phản bội “rước voi về dày mả tổ”. Phải chăng Lời của Tổ Tiên còn vang vọng rõ nét trong đáy lòng sâu thẳm của chúng ta “Con không Cha là Nhà vô phúc”? Con không Cha ở đây có nghĩa là : con không tiếp tục con đường đi của Người Cha, hay là con không “Minh Minh Đức”, không ngày ngày đánh sáng Đức Sáng của Cha Ông và Tổ Tiên, trong chính bản thân mình.
    • Chiều kích thứ ba là Người, là Nhân, có nghĩa là Anh Chi Em Đồng Bào, cùng có mặt với nhau trong một Bào Thai của Mẹ. Nói cách khác, chiều kích thứ ba là những quan hệ qua lại hai chiều – yêu thương, đùm bọc, tha thứ - giữa Anh Chị Em Đồng Bào với nhau, cũng như giũa chúng ta và những người khách nước ngoài đến thăm viếng, làm việc và cư ngụ trên Quê Hương của chúng ta:“Mở rộng Cửa NHÂN, mời khách đến,/ “Vun trồng cây ĐỨC, nuôi con ăn”.
    Nói tóm lại, Bao Dung bao gồm 3 gíá trị và ý nghĩa làm người sau đây:

    Thứ nhất là Nhân Đạo, Đạo Làm Người,

    Thứ hai là Tình Nghĩa keo sơn gắn bó giữa Anh Chị Em Đồng Bào,

    Thứ ba là Nhân Đức và Đức Độ, Đại Lượng và Thứ Tha, khi một người Anh Chị Em có những lỗi lầm, sai trái lớn hay là nhỏ… đối với chúng ta.

    Thiếu một trong 3 chiều kích ấy, Bao Dung sẽ nhường bước cho Vô Thần, Vô Tổ Quốc, Vô Đạo và Vô Nhân.

    Thiếu một trong 3 chiều kích ấy, Bao Dung chỉ là tuyên truyền, láo khoét,

    Thiếu một trong 3 chiều kích ấy, Bao Dung chỉ là huynh đệ tương tàn, bạo động, chiến tranh, mồ chôn tập thể và Đại lộ Kinh Hoàng…

    Thiếu một trong 3 chiều kích ấy, Bao Dung sẽ bị tiêu diệt. Thay vào đó, chỉ còn lại một thứ luật rừng man rợ như: “Cá lớn nuốt cá bé”, hay là “gà một nhà bôi mặt đá nhau”…

    Trong những ngày đầu tiên, trên những nẻo đường của Quê Hương, khi đi thăm viếng con cái tản mác khắp đó đây, Lạc Long Quân đã phải đối đầu với ba loại “tinh yêu ma quái” mà tôi vừa phác họa. Yêu Tinh là những quái vật, mang mặt người bên ngoài. Nhưng bên trong, với một tâm hồn tàn bạo, chúng nó tìm mọi cách để gieo tang tóc và đau thương. Chúng nó hủy diệt mọi loại quan hệ Bao Dung giũa Anh Chị Em Đồng Bào ruột thịt:
    • Loại Yêu Tinh thứ nhất là Mộc Tinh. Đây là một loại cây chiên đàn không gốc, không rễ, không lá, không hoa và không có trái. Chúng nó có mặt trên những nẻo đường quanh co và hoang vắng, để đe dọa khách qua đường và đòi hỏi những người “yếu vía” phải sụp lạy, dâng cúng tiền của, vàng bạc. Theo cách thuyên giải của tôi, đó là những người lạm dụng quyền lục và chức tước, để thực thi những hành động bất chính như hối lộ, mua bán bằng cấp, địa vị…Sau cùng, những con Mộc Tinh nầy tìm mọi mánh khóe chính trị, để bán đứng Quê Hương cho ngoại bang, cho đế quốc thực dân, từ Âu Tây như Mỹ và Pháp, cũng như từ phía Bắc như Nga Sô và Trung Cộng…
    • Loại Yêu Tinh thứ hai mang tên là Ngư Tinh, có nghĩa là “con Cá ăn thịt người”. Thay vì nuôi sống Anh Chị Em Đồng Bào, loại Ngư Tinh nầy chỉ nhả ra trong môi trường sinh thái của Quê Hương, nhiều loại độc tố, làm ô nhiễm những quan hệ giữa người với người, như chia rẽ hận thù giữa ba Miền Nam, Bắc Trung, giữa tôn giáo nầy với tôn giáo khác, giữa miền núi và vùng đồng bằng…
    • Loại Yêu Tinh thứ ba có danh hiệu là Hồ Tinh. Đây là những con chồn lưu manh hay là những con cáo độc ác. Ban ngày, chúng nó ẩn núp trong những hang động u tối và quanh co. Ban đêm, mang mặt nạ người, chúng nó đi vào trong các khu phố hoặc thôn xóm đông dân cư, để bắt cóc đàn bà và con nít, đem về hãm hiếp hay là lạm dụng, dưới nhiều hình thức khác nhau.
    • Loại Yêu Tinh thứ tư đã từ từ xuất hiện trên những nẻo đường của Quê Hương, sau khi Lạc Long Quân và Bà Âu Cơ từ giã Cõi Đời nầy. Đó là hai con Yêu Tinh “Sơn Tinh và Thủy Tinh”. Thực ra, trước khi trở thành Tinh Yêu, Sơn và Thủy là Anh Em ruột thịt. Cả hai đều có tài năng xuất chúng. Tuy nhiên, theo lời nhận xét của Thi Sĩ Nguyễn Du, “Chữ Tài liền với chữ Tai một vần”, bởi vì trong tâm hồn, không có Thiện Căn, không có Ánh Sáng và Hơi Ấm của Trời. Khi hai con Yêu Tinh nầy đối đầu với nhau, chỗ ấy nảy sinh ra xung đột và hận thù, bạo động và chiến tranh, chết chóc và lầm than. Trong Lịch Sử của Nước Nhà, hai con Yêu Tinh nầy đã một thời gây ra tai nạn Nam Bắc phân tranh, biên giới Sông Gianh, Vĩ Tuyến 17.

    Sau hơn bốn nghìn năm văn hiến, kể từ ngày Lạc Long Quân lập Nước và dựng Nước, bốn hiểm họa trên đây không bao giờ nhạt nhòa và tàn phai. Bốn con Yêu Tinh trên đây càng ngày càng lớn mạnh. Vào Thời Đại Nghìn Năm Thứ Ba, bốn con Yêu Tinh ấy đã len lõi nằm vùng, trong đáy sâu quả tim của tất cả mọi người chúng ta, không trừ sót một ai, đối với người Việt Nam ở trong Nước cũng như đối với người Việt Nam sinh sống ở Nước Ngoài. Chúng ta đã tiếp thu, hội nhập và phát huy thế nào bài học Bao Dung của Cha Ông và Tổ Tiên? Quí vị và quí bạn đã và đang giải quyết thế nào vấn nạn ấy, cho chính mình, cho người khác và nhất là cho con cháu và các thế hệ giới trẻ trong tương lai?
     
  4. thanthien

    thanthien Trần Thanh Thiện Thành viên BQT

    Phần Thứ Ba

    Biến những Chướng Ngại lớn lao
    trên con đường BAO DUNG của chúng ta?

    Trong phần vừa rồi, tôi đã cố gắng liệt kê một cách can đảm và vắn gọn, nhưng khá đầy đủ và trung thực, những vấn đề xảy ra, khi hai người Việt Nam sống chung và làm việc với nhau. Một cách đặc biệt trong môi trường chính tri và xã hội.

    Trong phần thứ ba còn lại nầy, tôi không có tham vọng hảo huyền là đề nghị từ ngoài hay là trình bày từ trên, phương thức hóa giải những vấn đề bế tắc của chúng ta. Mỗi người ở trong cũng như ngoài Nước có trách nhiệm khám phá Con Đường Bao Dung cho bản thân và cuộc đời trưởng thành của mình. Phần tôi, trong khuôn khổ của một bài chia sẻ, tôi chỉ muốn bập bẹ và cưu mang một Giấc Mơ Luyện Vàng, trong đáy sâu của tâm hồn.

    Trong giấc mơ ấy, tôi thấy trước mặt tôi, hai người Việt Nam như hai hình tròn không đồng tâm, đứng tách rời và biệt lìa ra khỏi nhau, không có một vùng giao tiếp với nhau, cho dù nho nhỏ, rất nhỏ, nhỏ như một chấm hay là một phết.

    Nhìn xong, tôi ngồi xuống khóc nức nở, khóc lớn tiếng, khóc như một trẻ thơ và không biết phải làm gì, để cho hai vòng tròn có thể gặp nhau.

    Chính lúc ấy, Mẹ Âu Cơ hiện hình, dạy tôi đưa ra hai tay, cầm hai vòng tròn, từ từ đem lại gần nhau và tạo ra một vùng tiếp cận hay là tiếp giáp. Theo lời giải thích của Mẹ, bao lâu hai anh chị em, cho dù ruột thịt đến độ nào chăng nữa, chưa có một vùng tiếp cận còn gọi là vùng trung gian hay là vùng học tập ở giữa, hai người không thể cùng nhau thực hiện từng bước Con Đường Bao Dung Với Nhau, Nhờ Nhau và Cho Nhau.

    Sau đó, Mẹ Âu Cơ cứ nhấn mạnh lui tới một nhận xét: Hai người Anh Chị Em Đồng Bào, tự bản chất làm người, phải KHÁC BIỆT đối với nhau, giống như TRỜI và BIỂN. Nhờ những nét khác biệt ấy, hai người mới có cơ may BỔ TÚC, ĐÓNG GÓP và KIỆN TOÀN cho nhau, làm nên những ĐẠI SỰ cho bản thân và cuộc đời, cho Quê Hương và cho Nhân Loại.

    “Ánh mắt con là cả một Bấu Trời,"

    “Bàn tay con huyền nhiệm thấu tầng mây,"

    “Bước chân con gieo Hạnh Phúc cho Đời,"

    “Quả tim con là nguồn suối không bao giờ cạn vơi”.

    Cho nên, hỡi con, để sáng tạo Con Đường Bao Dung, con hãy lắng nghe Trời, lắng nghe Đất, lắng nghe Biển Cả, lắng nghe Núi Sông. Tất cả là Bài Học Vô Tận. Tất Cả là Tiếng Nói của Tình Thương . Tất cả là GIA SẢN của Cha Ông và Tổ Tiên…


    Bí Chú (*) : Trung Tâm Văn Hóa Nguyễn Trường Tộ, 13 g rue de l’Ill –
    F.67116 Reichstett, France.

    Thời gian họp mặt: từ chiều thứ 6, ngày 29 tháng 08 năm 2008 đến tối, Chủ nhật ngày 31 tháng 08 năm 2008. Địa điểm: Maison Notre Dame du Chant d’Oiseau. 150 – Bruxelles, Belgique
     
  5. thanthien

    thanthien Trần Thanh Thiện Thành viên BQT

    Bài 2

    Con Đường BAO DUNG bắt đầu từ…
    Thái độ biết Lắng Nghe

    Nhằm giải quyết những vấn đề đang xảy ra đó đây trong lòng Quê Hương, chúng ta cần can đảm ngồi lại với nhau và đặt ra cho nhau một cách trung thực câu hỏi cơ bản trong cuộc sống Làm Người:

    « Phải chăng chúng ta biết lắng nghe và chấp nhận nhau? »

    Để giúp mỗi người tìm ra câu trả lời cho bản thân và cuộc đời, bài chia sẻ nầy sẽ lần lượt khảo sát những vấn nạn sau đây:

    - Lắng nghe có nghĩa là gi?

    - Lắng nghe để làm gì?

    - Chúng ta sẽ gặp những cạm bẫy nào, khi lắng nghe?

    - Ai là người anh chị em thực sự cần được chúng ta lắng nghe?

    1.- Ý NGHĨA CỦA LẮNG NGHE

    Sách vở và tài liệu đề cập vấn đề lắng nghe, thường nhấn mạnh một số động tác cụ thể có ý nghĩa sau đây:

    1.1- Lắng nghe không phải chỉ là nghe. Hẳn thực, trong cuộc sống, vô số nhiễu động ngày ngày bao vây chúng ta. Chúng cưỡng bức chúng ta nghe. Nhưng không ai tìm cách lắng nghe những nhiễu loạn ấy. Chúng ta còn tìm cách lánh xa, chạy trốn.

    1.2- Để có thể lắng nghe người anh chị em, thái độ và tác phong của chúng ta là im lặng, ngồi xuống, trân quí con người của họ.

    Nói cách khác, khi chấp nhận ngồi vào bàn với nhau, lắng nghe nhau một cách trân trọng, chúng ta đã bắt đầu coi nhau như anh chị em ruột thịt, cho dù khoảnh khắc ấy chỉ mong manh, thoáng qua, nhạt nhòa.

    1.3- Càng yêu quí một người, chúng ta càng dễ dàng lắng nghe những lời trao đổi, chia sẽ, trình bày của người ây.

    1.4- Trái lại, khi quan hệ giữa chúng ta và người ấy bắt đầu giảm sút, suy đồi, đi vào ngõ cụt...khả năng lắng nghe của chúng ta tự khắc bắt đầu biến chất và thoái hóa.

    Cũng vậy khi một người không gây được thiện cảm nơi chúng ta, vì bất cứ lý do gì, điều họ nói ra có thể là những điều chướng tai, nhức óc cho chúng ta.
    Về phần chúng ta, trong những hoàn cảnh tương tự, chúng ta dễ dàng bóp méo, xuyên tạc nội dung phát biểu của họ.

    1.5- Trước một người có thái độ và diện mạo thiện cảm, tự nhiên chúng ta có xu thế lắng nghe họ một cách dễ dàng.

    1.6- Khi tâm hồn chúng ta nặng trĩu những lo âu, trầm cảm, bực bội, tức giận... khả năng lắng nghe của chúng ta mất chất lượng bén nhạy.

    Thái độ tiếp nhận của chúng ta cũng giảm suy, mai một, cùn mòn rất nhiều. Khi có những trường hợp khổ đau tràn ngập, lý trí bị suy sụp, con người chúng ta không còn sáng suốt, minh mẫn. Các giác quan cũng do đó bị hạn chế và tê liệt.

    Trong những tình huống như thế, thay vì lắng nghe, chúng ta trở nên lơ là, lảng trí, "mầt hồn, lạc vía". Theo ngôn ngữ của Thiền học, chúng ta không còn có mặt trong hiện tại, ở đây và bây giờ. Chúng ta đánh mất chính mình. Tình trạng loạn động này rất thường xảy ra trong cuộc sống náo nhiệt của thế giới ngày hôm nay.

    1.7- Khi lắng nghe ai một cách thích thú thực sự, chúng ta dễ dàng thiết lập những quan hệ hài hòa, tích cực, xây dựng với người ấy. Ngược lại, vì chúng ta thiếu chăm nom, nuôi dưỡng khả năng này, bao nhiêu quan hệ giữa người với người, cho dù tốt đẹp trước đây trong quá khứ gần và xa... có thể gãy đổ tan tành…cơ hồ một cánh đồng lúa mùa, sau một trận bão lụt tàn phá, hủy hoại.

    Vì lý do này, không gì có thể thay thế tác phong và thái độ lắng nghe, nếu chúng ta có kỳ vọng kiên định xây dựng, vun đắp, khai triển những quan hệ tiếp xúc, trao đổi giữa chúng ta và người khác.

    Trong tinh thần này, lắng nghe là một của ăn tâm linh khả dĩ nuôi sống con người. Đó cũng là một quà tặng vô giá, mà con người có trách nhiệm dâng hiến cho nhau, để giúp nhau làm người, trong cuộc sống hằng ngày.
     
  6. thanthien

    thanthien Trần Thanh Thiện Thành viên BQT

    2.- LẮNG NGHE VÀ CHIỀU KÍCH LÀM NGƯỜI

    Cũng trong chiều hướng này, khi tôi lắng nghe ai với trọn con người, một đàng tôi vươn tới chiều kích làm người. Đàng khác, tôi đãi ngộ, cư xử con người được tôi lắng nghe, như một con người giống như tôi, ngang hàng tôi, có quyền làm chủ thể phát biểu, diễn tả, bộc lộ mình ra ngoài.

    Lề lối giáo dục ngày nay đang nhấn mạnh và phát huy cách thức đãi ngộ ấy. Thậm chí một đứa bé mới sinh ra, khi chưa sử dụng ngôn ngữ "có lời" của môi trường, đã "mặc khải mình" dưới nhiều hình thức khác nhau như tiếng khóc, nụ cười, liếc nhìn, chân tay vận động... Hơn ai hết, nếu người mẹ không lắng nghe đứa con của mình trong địa hạt này, từ những ngày đầu tiên, em đã bị hụt hững một phần nào trên cơ sở làm người. Không được lắng nghe, ở đây trong quan hệ mẹ con, em sẽ không học được bài học lắng nghe một cách nhuần nhuyễn, thành thục, trong quan hệ giữa người với người sau này.

    Bác sĩ tâm thần René Spitz đã đưa ra ví dụ về "nụ cười sinh lý", để minh họa những điều vừa được trình bày. Một đứa bé mới lọt lòng mẹ, một tuần hay vài ba ngày sau, đã mĩm cười trong giấc ngủ. Đó là nụ cười sinh lý, một phản ứng tự phát, bộc lộ tình trạng của đứa trẻ được thỏa mãn về mọi mặt như lương thực, y phục, nhiệt độ, tiêu hóa, không khí... Theo cách giải thích bình dân của bà mẹ Việt Nam, đứa trẻ mĩm cười với "Bà Mụ, Bà Tiên" đang hiện về dạy dỗ, trao đổi, tiếp xúc.

    Phải đợi đến ít nhất ba bốn tháng sau, bà mẹ hay là một thành viên khác trong gia đình có phận sự chăm sóc thường xuyên, liên tục cho đứa bé, mới có khả năng trao đổi nụ cười với em ấy khi tiếp xúc, bồng ẵm, vui đùa, xoa bóp, vuốt ve...Thiếu những quan hệ tiếp xúc liên tục "mặt nhìn mặt", "da chạm da", đứa bé sẽ thiếu nụ cười. Hay là nụ cười của em sẽ xuất hiện rất chậm trễ, sau bảy hoặc tám tháng, như chúng ta có thể quan sát nơi những đứa trẻ trong các cô nhi viện quá đông, quá lớn, thiếu công nhân viên có khả năng và chất lượng chăm sóc và nuôi nấng.

    Nụ cười như hạt lúa đã có mặt từ những ngày đầu tiên trong ruộng đồng da thịt, cơ thể của đứa bé. Nụ cười sinh lý ấy chỉ lớn lên, nở hoa, sinh hạt, trở thành "nụ cười xã hội", để hai mẹ con có khả năng tiếp xúc, trao đổi, cùng nhau sung sướng, hân hoan, hạnh phúc... chỉ khi nào bà mẹ biết chăm sóc, vun trồng, tưới tẩm, nuôi dưõng hạt giống ấy.

    Nói một cách vắn gọn, nếu người mẹ không lắng nghe con, bà không hái được bông hoa "nụ cười xã hội" trên khuôn mặt của con.

    Cũng vậy, trong địa hạt ngôn ngữ, nếu bà mẹ không biết lắng nghe con chuyện trò, líu lo, ca hát, để hưởng nhận hạnh phúc đang trào dâng trong cõi lòng làm mẹ của mình, đứa bé sẽ chậm nói và có khi không học nói.

    Cái gì xảy ra giữa hai mẹ con trong hai năm đầu đời, cũng đang xảy ra trong quan hệ giữa người với người. Người mẹ không chờ đợi, đòi hỏi đứa con phải cười phải nói. Bà chỉ đơn phương lắng nghe như bà ăn, bà thở. Nhờ vậy, con bà sẽ cười, sẽ nói, theo nhu cầu và tốc độ tự nhiên của mình.

    Trong quan hệ giữa người với người, cũng có những định luật tương tự: khi trong môi trường, cộng đoàn, quê hương và nhân loại, có những tâm hồn biết lắng nghe không chờ đợi, đòi hỏi, đặt điều kiện, phê phán, tố cáo... tự khắc ở phía bên kia, đằng trước, sẽ có những con người đang cố quyết trở thành người.

    Bà mẹ vun trồng trong bốn, năm tháng, mới có thể gặt hái đóa hoa nụ cười trên khuôn mặt của đứa con. Có lẽ chúng ta phải vun trồng mảnh đất lắng nghe một cách liên tục trong vòng 100 năm, họa may mới gặt hái được "Đức Bụt", hay là "Một Con Người Công Chính" đang tái lâm trên Quê Hương, Đất Nước. Nếu chính bản thân tôi không làm bà mẹ lắng nghe, tôi thắp hương chờ đợi ai? Trên cơ sở nào, tôi đòi hỏi kẻ khác, phía bên kia phải làm... đang khi đó chính tôi đang ù lì, bị động, vô cảm?
     
  7. thanthien

    thanthien Trần Thanh Thiện Thành viên BQT

    3.- LẮNG NGHE ĐỂ CHIA SẺ VÀ ĐỒNG HÀNH

    Thái độ hay tác phong lắng nghe đòi hỏi chính chúng ta hãy im lặng, nghĩa là tạo điều kiện thuận lợi, dễ dàng, để người đối diện có thể nói ra tất cả những điều họ cần bộc lộ, chia sẽ.

    Thế nhưng, im lặng trong nhiều trường hợp có liên hệ đến đời sống xã hội, có thể mang sắc thái và ý nghĩa tiêu cực như "khinh thị, không coi trọng, tự cao, đóng kín cửa lòng...". Phải chăng nhiều bà vợ đã than trách chồng mình "tránh né, thiếu trao đổi, trốn mình trong bốn bức tường im lặng cao ngạo hay là lãnh đạm"?

    Nhằm giải tỏa một số vấn đề căng thẳng trong quan hệ vợ chồng, người nữ thường được yêu cầu "nâng cao chất lượng lắng nghe và giảm hạ liều lượng phát biểu. Vượt quá ba ý tưởng, những câu nói của các bà đã bắt đầu bị sàng lọc, xuyên tạc, bóp méo, biến chất". Bà mẹ nào cũng đã hiểu rõ: khi dọn cho ai ăn quá nhiều, người ấy sẽ có nguy cơ "trúng thực".

    Cũng trong chiều hướng tạo hòa khí và phát huy quan hệ tốt đẹp, người chồng được yêu cầu "có mặt, đóng góp, tham dự".

    Im lặng chỉ biến thành "vàng“, khi họ biết lưu tâm, đặt trọng tâm vào người phát biểu.

    Im lặng chỉ trở thành lắng nghe; và lắng nghe chỉ mang bộ mặt và tâm hồn im lặng, khi chúng ta đón nhận và chấp nhận người trước mặt. Chúng ta trân trọng, tìm hiểu, ghi nhận từng lời họ nói ra. Còn hơn thế nữa, chính con người toàn diện của họ trở thành quan trọng cho chúng ta.

    Theo cách giải thích của tâm lý ngày nay, lắng nghe ai một cách thực sự, là "đi vào bên trong nội tâm" của người ấy, chia sẽ, đồng hành, đồng cảm với họ. Sở hữu hóa nghĩa là biến thành của mình "cái khung qui chiếu" của họ.

    Thuật ngữ này có vẽ kiểu cách, phiền toái, phức tạp. Nhưng thực chất và ý nghĩa của nó rất đơn giản. Khám phá khung qui chiếu của một người là lắng nghe họ, một cách rất thành tâm và cố quyết trả lời cho chính mình, những câu hỏi sau đây:

    · Trong những điều họ phát biểu, cái gì là sự kiện hoàn toàn khách quan có thể được kiểm chứng?

    · Khi họ phát biểu, họ trình bày cho tôi những cảm xúc và xúc động nào? Họ đau nhói ở đâu? Họ phập phồng, ngột ngạt ở chỗ nào?

    · Từ địa hạt xúc động có liên hệ đến cơ thể và các hiện tượng sinh lý hóa, tôi bước qua lãnh vực tình cảm: để được lắng nghe, họ kêu tên và đặt tên cho tâm tình của mình như thế nào? Buồn, sợ, bực bội, bất mãn, tức giận, tuyệt vọng... đó là những loại ”thời tiết, khí hậu“, tạo nên nắng mưa trong tâm hồn của họ.

    · Sau đó tôi vươn lên bình diện thuyên giải, nhằm tìm hiểu: Qua những điều họ nói, họ có ý kiến gì về chính mình, về người khác, về cuộc sống...

    Những ý kiến ấy mới xuất hiện hay là đã đóng lớp rêu rong từ bao nhiêu đời, từ những ngày thơ ấu? Phải chăng đó là những thành kiến, những kiến lập họ tiếp thu từ người khác, ở nơi khác, nhưng chưa bao giờ được khảo sát hay là cập nhật hóa một cách nghiêm chỉnh?

    Nói cách khác, cái gì là dư luận, tiếng đồn? Cái gì là xác tín đặt cơ sở trên lý luận vững chãi? Cái gì là năng động do họ sáng tạo? Cái gì là bị động do người khác áp đặt cho họ? Và người khác ấy là ai, mang tên tuổi gì?

    Ý kiến của họ là một kết luận dựa trên cơ sở khách quan vững vàng, đã được kiểm chứng? Hay ngược lại, đó còn là một giả thuyết mong manh tạm bợ? Phải chăng đó chỉ là một lời phán quyết hoàn toàn đơn phương, độc lộ, thiếu nền tảng?

    Cuối cùng, khi lắng nghe người đối diện phát biểu về người khác, bất kể là người thân hay kẻ xa lạ, tôi cần tìm hiểu họ có những loại quan hệ nào với tha nhân: Hài hòa tích cực, hay là căng thẳng, xung đột? Họ đang nuôi dưỡng lập trường nào trong bốn loại lập trường tâm lý sau đây ?

    Một: Tao thắng mầy thua,
    Hai : Tao thua mầy thắng,
    Ba : Tao thua mầy thua,
    Bốn: Tôi thắng, bạn thắng, chúng ta cùng thắng với nhau và nhờ vào nhau.

    Nói tóm lại, "khung qui chiếu" của họ bao gồm những gì, trên năm bình diện khác nhau như: sự kiện khách quan, cảm xúc, tâm tình, kiến giải và quan hệ?

    Để có thể khám phá bao nhiêu dữ kiện và tin tức cần thiết như vậy, chúng ta không thể không tìm hiểu, học tập và tôi luyện. Nhờ đó, chúng ta có thể đóng góp, xây dựng cuộc đời cho người khác.

    Đi một buổi chợ còn học được một mớ khôn! Huống hồ, nếu chúng ta biết lắng nghe, một cách thành tâm và có tính khoa học, chúng ta sẽ nhận rất nhiều điều, trên bước đường làm người. Và sau khi biết nhận như vậy, chúng ta sẽ là những người biết cho.
     
  8. thanthien

    thanthien Trần Thanh Thiện Thành viên BQT

    4.- NHẬN VÀ CHO TRONG ĐỘNG TÁC LẮNG NGHE

    Trong những ý nghĩa vừa được trình bày và quảng khai trên đây, phải chăng thái độ Lắng Nghe làm nên bản chất đích thực của tất cả những ai cố quyết làm người trong trời đất này? Và khi lắng nghe một người - cho dù người ấy nói hay hoặc nói dở, nói đúng hoặc nói sai, cao thượng hoặc tầm thường - chúng ta làm công việc gây ý thức cho họ nhận thức được rằng: cuộc đời đang CHO họ rất nhiều. Đến phiên họ, nếu họ tìm một người để cho; tìm một điều để cho; tìm một cơ hội để cho... lập tức họ trở nên giàu có. Họ đang làm một bà mẹ với hai bàn tay êm ái. Với nụ cười xinh đẹp. Với một liếc nhìn bao la, rộng lượng. Với một lời nói ấm áp, khích lệ. Với một tia ánh sáng nho nhỏ trong đôi mắt...

    Khi lắng nghe với một thái độ nhận và cho như vậy, chúng ta không cần phải khẳng định lập trường "đồng ý" hay là "không đồng ý". Chúng ta đang ở trên bình diện Thương Yêu.

    Thương yêu như vậy gồm có hai hơi thở ra vào là TỪ và BI.

    · TỪ là mang lại niềm hân hoan, phấn khởi.

    · BI là đồng cảm, chia sẽ những đắng cay, chua xót trong cuộc đời.

    Đó là ý nghĩa sâu xa, mục đích cuối cùng, và đó cũng là giá trị cần được chúng ta thực thi và đeo đuổi, mỗi lần chúng ta lắng nghe một người anh chị em.
     
  9. thanthien

    thanthien Trần Thanh Thiện Thành viên BQT

    5.- NHỮNG Ý NGHĨA CHỦ YẾU CỦA LẮNG NGHE

    Trong bản tóm lược sau đây, tôi liệt kê lại sáu ý nghĩa chủ chốt của tác phong lắng nghe:

    Động tác thứ nhất: Khi lắng nghe, tôi giữ im lặng.

    Động tác thứ hai: Tôi giữ im lặng là vì tôi đặt trọng tâm vào người đang nói và chia sẻ. Không những điều họ nói, chính toàn diện con người của họ là một giá trị quan trọng đối với tôi.

    Động tác thứ ba: Khi lắng nghe, tôi không nhắm bày tỏ ý kiến đồng ý hay không đồng ý. Tôi học tập, tìm hiểu khung qui chiếu của người phát biểu. Đặc biệt tôi phân định một cách rành mạch rõ ràng đâu là sự kiện, đâu là tình cảm xúc động, đâu là kiến giải, đâu là lời phê phán.

    Động tác thứ bốn: Khi lắng nghe và tìm hiểu như vậy, tôi giúp người phát biểu ý thức về bản chất đích thực và sâu xa của họ là cho và thương yêu, vì họ đang được thương yêu.

    Động tác thứ năm: Để đánh giá chất lượng của tác phong lắng nghe, tôi dựa vào ba tiêu chuẩn: Một là sống trong hiện tại, để chú ý và lưu tâm người đang hiện diện với tôi. Hai là học tập, tìm hiểu. Ba là có mặt một cách vui thích và hứng thú, thay vì bày tỏ những xúc động nhàm chán và bực bội.

    Động tác thứ sáu: Để có thể duy trì chất lượng của lắng nghe, mục đích cuối cùng mà tôi đeo đuổi là thương yêu. Thiếu động cơ này thúc đẩy, tôi không còn sống trung thực. Tôi đi vào con đường phê phán nhị nguyên.
     
  10. thanthien

    thanthien Trần Thanh Thiện Thành viên BQT

    6.- NHỮNG CẠM BẪY CỦA LẮNG NGHE

    Lắng nghe với sáu động tác vừa được liệt kê, không phải là một công việc dễ dàng và tự nhiên. Một đàng, tôi phải thường xuyên tôi luyện. Đàng khác, tôi phải đánh giá một cách khoa học và sáng suốt, bằng cách đề phòng bốn cạm bẫy đang có mặt ở khắp nơi:

    Cạm bẫy thứ nhất: Tôi cắt ngang, giành nói. Tôi vi phạm qui luật im lặng.

    Cạm bẫy thứ hai: Tôi kết luận quá sớm. Tôi chưa nắm vững toàn bộ khung qui chiếu của người phát biểu. Lối nhìn của tôi còn quá phiến diện. Cho nên người đối diện cảm thấy mình bị hiểu lầm, không được lắng nghe một cách đích thực và trọn vẹn.

    Cạm bẫy thứ ba: Tôi mơ mộng, nghĩ đến chuyện đã qua hay là chuyện chưa tới. Tôi không sống trong hiện tại.

    Cạm bẫy thứ bốn: Thay vì im lặng, học hỏi, tìm hiểu đến nơi đến chốn, tôi lèo lái câu chuyện qua một hướng khác. Tôi đề nghị lề lối giải quyết, tôi phóng ngoại, giải thích, tôi phê phán, khen chê, lên mặt mô phạm, tôi bùng nổ, giận hờn, bực bội, la lối...

    Nói tóm lại, vì tôi thiếu kỹ năng lắng nghe, tôi không biết giữ im lặng một cách thanh thản, hồn nhiên, dễ dàng và khéo léo. Từ đó, người phát biểu không có khả năng "mặc khải mình" như lòng họ chờ đợi, khao khát. Cũng vì vậy, họ chưa nhận ra bản chất đích thực sâu xa của mình là làm sứ giả của Tình Thương trong cuộc đời này.

    Trái lại, khi cảm thấy mình được lắng nghe, nghĩa là được tiếp nhận và yêu thương, họ đã bắt đầu mở rộng con mắt tâm linh, và từ từ ý thức đến sứ mệnh làm người của mình là "Cho".
    Hẳn thực, tôi đang CHO, chỉ vì tôi đã nhận lãnh rất nhiều, trong cuộc sống.

    SÁCH THAM KHẢO


    1- Cameron L - Solutions - Future Pace U.S.A. 1985,

    2- Goleman D - Emotional Intelligence -Bantam U.S.A. 1995.

    3- Gordon T - Être Parent, ça s’apprend - Marabout 1995.

    4- Nguyễn văn Thành - Phát Huy Nhân Lực - T.N. Lausanne 1998.

    5- Nguyễn văn Thành - Đường vào Nội tâm - T.N. Lausanne 1997.

    6.-Nguyễn Văn Thành - Phát Huy Quan Hệ Xã Hội - T. N. Lausanne Hè, 2007

    Nguyễn Văn Thành

    Nguồn: vanchuongviet.org

    Còn tiếp.
     

Chia sẻ trang này