GIỚI THIỆU MỘT VÀI CÂU ĐỐI CỦA NGƯỜI BÌNH DƯƠNG

Thảo luận trong 'Đồ xưa cổ' bắt đầu bởi admin, 10/1/18.

  1. admin

    admin Administrator

    NGÀY XUÂN
    GIỚI THIỆU MỘT VÀI CÂU ĐỐI CỦA NGƯỜI BÌNH DƯƠNG
    • Đỗ Thanh
    • 25/07/2012
    1. Đôi nét về nguồn gốc của câu đối

    Câu đối, người Việt gọi là đối liên (對 聯), người Trung Quốc gọi là “doanh thiếp” (楹 帖) hay “doanh liên”(楹 聯), có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc và tên gọi cổ xưa của nó là “đào phù” (桃 符).

    Truyền thuyết Trung Hoa kể rằng vào thời Hoàng Đế, trên núi Độ Sóc ở biển Đông, có một cây đào thần kỳ, có hai vị thần tên gọi Thần Đồ (神荼) và Uất Lũy (郁垒) chuyên cai quản lũ quỷ dữ, con quỷ nào quậy phá quá thì bị hai vị thần dùng thừng bện bằng cây sậy bắt trói đem cho hổ ăn. Do đó, Hoàng Đế đã sai người lấy gỗ đào tạc hình Thần Đồ, Uất Lũy và con hổ, lại gài cả thừng bằng sậy vào đó, rồi để bên cửa để trừ tà đuổi quỷ, tục gọi là Môn thần (門 神 - Thần canh cửa), lâu dần về sau đã trở thành phong tục phổ biến trong dân gian. Cứ vào dịp Xuân về, lại có tục vào ngày mồng Một tháng Giêng, mỗi nhà lấy mảnh gỗ Đào vẽ tượng trưng hình hai vị thần nói trên, gọi là bùa Đào (Đào phù 桃 符) để treo lên cửa. Về sau, người ta chỉ viết tên Thần Đồ, Uất Lũy lên mảnh gỗ đào mà không cần vẽ hình. Tuy nhiên, cách biểu đạt bằng mấy chữ như vậy hết sức nghèo nàn, người ta lại thay bằng cách viết nhiều chữ lên hai mảnh gỗ đào trên cửa, phản ánh đầy đủ tâm nguyện của gia chủ khi xuân đến.
     
    minhtritn, nghia, Phan Bình and 3 others like this.
  2. admin

    admin Administrator

    Phong tục là thế nhưng tới năm 959 ở Trung Quốc mới xuất hiện câu đối đầu tiên. Theo Tống sử phần “Thục thế gia” (宋 史 蜀 世 家) chép: Hậu chủ nhà Thục là Mạnh Sưởng (孟 昶), sai Học sĩ đề bùa gỗ đào, cảm thấy chưa hài lòng, liền ngự bút đề:


    Tân niên nạp dư khánh

    佳 節 號 長 春
    Giai tiết hiệu trường xuân

    Nghĩa là:

    Năm mới thêm niềm vui
    Tiết đẹp xuân còn mãi

    Từ đời Tống trở đi, cứ đến dịp Tết Nguyên đán thì các nho sĩ lại đua nhau làm câu đối mừng Xuân mới. Có một giai thoại thú vị kể rằng: Vương Hy Chi, một bậc “thư thánh” của Trung Quốc, nhân dịp dọn nhà đúng dịp năm mới đã làm câu đối mừng xuân. Nhưng cứ cặp câu đối nào dán lên là lại bị người ta rình bóc trộm mất. Vương Hy Chi giận lắm bèn nghĩ ra một cách, đêm trừ tịch ông viết một câu đối sai người dán trước cổng:

    福 無 双 至
    Phúc vô song chí
    禍 不 單 行
    Họa bất đơn hành

    Nghĩa là:

    Phúc không hai lần đến
    Hoạ chẳng đi một mình

    Mọi người đều cho rằng đó là một câu đối xúi quẩy nên chẳng ai bóc trộm. Sáng hôm sau, Vương Hy Chi thấy câu đối còn nguyên thì tủm tỉm cười mới viết tiếp hai vế còn lại thành một câu đối chuẩn, đẹp, rất thích hợp cho năm mới:


    Phúc vô song chí kim triêu chí

    Hoạ bất đơn hành tạc dạ hành


    Nghĩa là:

    Phúc không đến hai lần nhưng sáng nay đã đến
    Hoạ chẳng đi một mình nhưng tối qua đã đi.
     
    minhtritn, nghia, Phan Bình and 3 others like this.
  3. admin

    admin Administrator

    Từ thời Minh, phong trào làm câu đối càng trở nên thịnh hành và bắt đầu được viết phổ biến trên giấy thay vì viết trên mảnh gỗ Đào như xưa kia. Tương truyền sau khi định đô ở Nam Kinh, Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương đã hạ lệnh cho mọi người vào trước đêm 30 Tết đều phải làm đôi câu đối dán ở cổng. Nhà vua vi hành các phố phường để kiểm tra. Thời bấy giờ, người Trung Hoa thường hay dùng giấy đỏ để viết câu đối Tết, hoàng cung và tôn thất dùng giấy trắng, mép viền đỏ/ xanh.

    Từ một phong tục treo bùa đào, theo thời gian, câu đối đã kết hợp với các thể loại văn học chữ Hán để trở thành một thể loại độc lập, có chức năng, đặc trưng riêng, phổ biến không chỉ trong đất nước Trung Hoa rộng lớn mà còn lan ra các nước khác trong khu vực Đông Nam Á. Ở Việt Nam, không biết chính xác thời điểm tục chơi câu đối truyền sang nước ta khi nào, các nhà nghiên cứu đều căn cứ vào bài thơ Nôm “Tứ thời khúc vịnh” của Hoàng Sĩ Khải được viết khoảng cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII còn có câu: “Đào phù cấm quỷ phòng linh ngăn tà”, thì có thể biết tục treo bùa đào (hình thức tiền thân của câu đối Tết) cũng đã từng xuất hiện ở Việt Nam thời này. Sử sách cũ còn ghi lại khá nhiều giai thoại về việc vua Lê Thánh Tông (1460) vi hành ở kinh thành Thăng Long để xem câu đối Tết và nhà vua đã từng làm câu đối Tết cho các nhà dân làm nghề thợ nhuộm, nghề hót phân... Như thế, có thể biết chắc chắn rằng, ít ra từ thời Lê Thánh Tông, tục chơi câu đối Xuân/ Tết ở ViệtNam đã rất thịnh hành.
     
    minhtritn, nghia, Phan Bình and 3 others like this.
  4. admin

    admin Administrator

    2. Một vài nguyên tắc của câu đối

    Làm câu đối không quy định số chữ, tuỳ độ dài ngắn mà người ta phân theo nhiều loại khác nhau, từ tiểu đối (những câu từ 4 chữ trở xuống) tới đối thơ hay đối phú nhưng phải tuân theo một số quy định. Khi làm câu đối, nếu chọn được câu chữ tuân theo quy định thì câu đối đó được gọi là “chỉnh đối” hay “đối cân”.

    Nguyên tắc quan trọng nhất của câu đối là phải “đối”: từ đối chữ (số chữ trong hai câu phải bằng nhau); đối ý ( hai ý của hai câu phải đối nhau); đối thanh (thanh bằng đối với thanh trắc); tới đối về loại (thực từ phải đối với thực từ, danh từ phải đối với danh từ…). Nếu câu đối luôn cố định là số chẵn (2 vế đối nhau của một câu) tức số âm thì số lượng chữ trong vế đối thường là số lẻ, tức số dương và có thể thay đổi. Cũng có khi số chữ trong vế đối là số chẵn, nhưng không nhiều. Đến thời Đường, do sự phát triển chặt chẽ của niêm luật thi ca nên dường như trong mỗi bài thơ đều là những cặp đối.

    Treo, dán câu đối cũng phải tuân theo phép tắc. Trong một đôi câu đối bao giờ cũng có hai vế, được gọi là vế "thượng" và vế "hạ", tức vế trên và vế dưới, vế thượng (trên) phải treo/ dán bên hữu (phải), còn vế hạ (dưới) thì treo/ dán bên tả (trái). Còn muốn biết vế nào là thượng, vế nào là hạ thì chỉ cần xem chữ cuối cùng; nếu là thanh trắc (sắc, nặng, hỏi, ngã) thì đó là vế thượng; còn thanh bằng (dấu huyền hoặc không dấu) tức là vế hạ.

    Câu đối có nhiều thể loại: câu đối xuân, câu đối mừng hỉ sự (đám cưới, thăng chức, mừng tân gia, mừng thọ...), câu đối viếng đám tang, câu đối đề trên danh lam, cổ tích… Trong đó, câu đối xuân vẫn được xem là một trong những nét văn hóa đặc trưng nhất. Vào những thế kỷ trước, khi chúng ta còn dùng chữ Nho thì phong trào chơi câu đối cũng theo đó mà còn thịnh hành. Thịnh hành tới mức trở thành một món không thể thiếu trong ngày Tết cùng với thịt mỡ, dưa hành, bánh trưng xanh, cây nêu, tràng pháo Tết.
     
    minhtritn, nghia, Phan Bình and 3 others like this.
  5. admin

    admin Administrator

    3. Giới thiệu một vài câu đối ở Bình Dương.

    Tục chơi câu đối Tết, ở Bình Dương hiện nay có lẽ chỉ còn trong cộng đồng những nhóm người Hoa. Người Hoa Phước Kiến có riêng một truyền thuyết giải thích về phong tục dán câu đối ngày Tết. Truyền thuyết có liên quan đến một con thú được gọi là thú niên hung dữ hàng năm thường tới ngôi làng của những người Phước Kiến cư trú bắt người ăn thịt. Mỗi năm nó sẽ bắt một người và nhà nào đã bị bắt rồi thì nó quẹt máu đỏ đánh dấu lên ngôi nhà đó. Sự hoang mang, tang tóc bao trùm lên ngôi làng nhỏ. Rồi có người nghĩ ra cách dùng giấy đỏ dán lên cửa của tất cả mọi nhà còn bản thân họ thì kéo nhau lên núi trốn. Năm đó, thú niên quay lại thấy nhà nào cũng có màu đỏ và không thấy ai, nó chắc mẩm rằng mình đã ăn thịt hết tất cả mọi người rồi nên không bao giờ quay lại đó nữa. Từ đó trong người Hoa Phước Kiến có phong tục dán giấy màu đỏ mỗi dịp năm mới về tượng trưng cho sự may mắn, xua đuổi tà ma, quỷ dữ. Người ta lại viết lên đó những câu chúc để thể hiện tâm nguyện của mình, thường là:

    Ở Bình Dương, chúng ta có thể tìm thấy câu đối ở đình, chùa, nhà cổ, nhà thờ họ, ở miếu hoặc các đền, phủ. Câu đối có thể viết bằng chữ Hán, chữ Nôm và hiện nay ở những đình, chùa xây mới người ta phổ biến viết câu đối bằng chữ quốc ngữ bởi không còn ai biết chữ Nho mà nếu có viết ra cũng chẳng ai đọc được.

    - Câu đối ở Đình: là một trong những di tích còn lưu giữ nhiều câu đối nhất, câu đối ở đình thường là những câu ca ngợi công đức của thần Thành Hoàng, ca ngợi thôn cảnh và cũng là ước nguyện gửi gắm tới thần linh:​

    聖 德 及 群 黎 萬 古 地 靈 人 傑

    神 恩 施 眾 庶 千 秋 物 阜 民 康

    (Câu đối tại đình Dư Khánh, xã Thạnh Phước, huyện Tân Uyên)

    Phiên âm:

    Thánh đức cập quần lê vạn cổ địa linh nhân kiệt

    Thần ân thi chúng thứ thiên thu vật phụ dân khang

    Nghĩa là:

    Đức của Thánh đến với dân làm cho muôn thủa địa linh nhân kiệt

    Ân của thần ban cho dân chúng ngàn năm người, vật trù phú, an khang.

    聖 澤 汪 洋 六 旁 歸 玉 燭

    神 恩 遍 福 萬 古 壯 金 甌

    (Câu đối tại đình Tân An, xã Tân An, Tx. Thủ Dầu Một).

    Phiên âm:

    Thánh trạch uông dương lục bàng qui ngọc chúc

    Thần ân biến phúc vạn cổ tráng kim âu.

    Nghĩa là:

    Ân trạch của thần bao la rộng lớn sáu phía quay về đuốc ngọc

    Ân phúc của thần che chở muôn đời rạng rỡ âu vàng

    富 國 強 民 靈 神 之 業 民 可 作

    興 村 盛 邑 先 祖 之 攻 子 能 培

    (Câu đối tại đình Tân Lương, xã Thạnh Phước, huyện Tân Uyên)

    Phiên âm:

    Phú quốc cường dân linh thần chi nghiệp dân khả tác

    Hưng thôn thịnh ấp tiên tổ chi công tử năng bồi

    Nghĩa là:

    Dân giàu, nước mạnh, sự nghiệp thần linh dân có khả năng tạo nên

    Thôn giàu, ấp thịnh đạt, công lao tổ tiên, con cháu có khả năng vun đắp​
     
    minhtritn, nghia, Phan Bình and 3 others like this.
  6. admin

    admin Administrator

    - Câu đối tại chùa: nội dung chủ yếu đề cập đến cái vô thường, vô biên của đạo Phật, lời răn dạy những người tu hành đừng chạy theo hình thức mà quên cái chân tâm của mình cũng như khuyên con người quay về nẻo chánh trong tâm hồn:

    箬 實 箬 虛 竹 影 掃 階 塵 不 動

    是 空 是 色 月 穿 海 底 水 無 痕

    (Câu đối tại chùa Hưng Đức, P. Phú Cường, Tx. Thủ Dầu Một)

    Phiên âm:

    Nhược thực nhược hư trúc ảnh tảo giai trần bất động

    Thị không thị sắc nguyệt xuyên hải để thuỷ vô ngân

    Nghĩa là:

    Vừa thực, vừa hư, bóng trúc quét thềm bụi không lay chuyển

    Là không, là sắc, trăng soi đáy bể, nước không xao động

    大 道 廣 開 兔 角 挑 潭 底 月

    禪 門 教 養 龜 毛 繩 樹 頭 風

    (Câu đối tại chùa núi Châu Thới, xã Bình An, Tx. Dĩ An)

    Phiên âm:

    Đại đạo quảng khai, thố giác thiêu đàm để nguyệt

    Thiền môn giáo dưỡng, qui mao thằng thụ đầu phong

    Nghĩa là:

    Đạo lớn rộng mở như lấy sừng thỏ khều bóng trăng đáy nước

    Cửa thiền nuôi dưỡng như lấy lông rùa buộc gió vào ngọn cây.

    垂 揚 柳 而 遍 灑 甘 露

    除 煩 腦 以 得 清 涼

    (Câu đối tại chùa Long Sơn, xã Tân Mỹ, huyện Tân Uyên)

    Phiên âm:

    Thuỳ dương liễu nhi biến sái cam lộ

    Trừ phiền não dĩ đắc thanh lương

    Nghĩa là:

    Dùng cành dương liễu rãi khắp nơi nước ngọt

    Trừ được phiền muộn như nước trong.​
     
    minhtritn, nghia, Phan Bình and 3 others like this.
  7. admin

    admin Administrator

    - Câu đối tại miếu: miếu ở Bình Dương chủ yếu thờ Nữ thần, quy mô, kiến trúc khá nhỏ nên số lượng câu đối ở miếu rất hạn chế, nội dung chủ yếu ca ngợi công đức của các Bà:

    主 聖 南 邦 蕩 蕩 威 恩 仁 護 國

    處 神 越 地 洋 洋 盛 德 義 庇 民

    (Quán thủ hai chữ Chúa Xứ-đối tượng thờ chính tại miếu)

    (Câu đối tại miếu Bình Nhâm, xã Bình Nhâm, Tx. Thuận An)

    Phiên âm:

    Chúa thánh nam bang đãng đãng uy ân nhân hộ quốc

    Xứ thần việt địa dương dương thịnh đức nghĩa tí dân.

    Nghĩa là:

    Thánh chúa nước Nam ân to lớn bảo vệ cho đất nước

    Công đức to lớn (của Bà) che chở cho nhân dân​
     
    minhtritn, nghia, Phan Bình and 3 others like this.
  8. admin

    admin Administrator

    - Câu đối tại nhà cổ: Bình Dương có khá nhiều nhà cổ, tập trung ở huyện Tân Uyên, Tx. Thuận An, Tx. Dĩ An. Một vài ngôi trong đó đã được xếp hạng là Di tích cấp Quốc gia có giá trị về văn hoá, nghệ thuật như nhà ông Trần Công Vàng, nhà ông Trần Văn Hổ; và di tích cấp tỉnh như nhà ông Nguyễn Tri Quang, nhà ông Đỗ Cao Thứa. Số lượng câu đối trong các ngôi nhà cổ khá nhiều, phong phú về cách thể hiện mà nội dung ý nghĩa chủ yếu là răn dạy con cháu:

    正 心 為 先 明 德 肇 基 傳 世 遠

    中 立 不 倚 聖 言 垂 訓 歷 年 新

    Phiên âm:

    Chánh tâm vi tiên, minh đức triệu cơ truyền thế viễn

    Trung lập bất ỷ, thánh ngôn thuỳ huấn lịch niên tân

    Nghĩa là:

    Trước hết tâm phải chính, làm sáng đức để xây dựng cơ nghiệp lâu dài

    Tự lập, không ỷ lại, lời thánh nhân truyền dạy mãi với thời gian.

    創 業 維 難 祖 父 修 常 辛 苦

    守 成 不 易 子 孫 宜 戒 奢 華

    (hai câu đối tại nhà ông Trần Công Vàng, P. Phú Cường, Tx. Thủ Dầu Một)

    Phiên âm:

    Sáng nghiệp duy nan, tổ phụ tu thường tân khổ

    Thủ thành bất dị, tử tôn nghi giới xa hoa

    Nghĩa là:

    Sáng lập nên sự nghiệp khó khăn, tổ phụ phải trải qua nhiều cay đắng

    Giữ lấy không dễ, con cháu chớ nên xa hoa.
    Câu đối cũng như văn hoá Hán-Nôm là những di sản văn hoá phi vật thể có giá trị văn hoá, lịch sử cao. Tìm hiểu về nó giúp chúng ta chạm tay tới một di sản to lớn mà ông cha ta để lại. Mấy năm trở lại đây, phong trào chơi thư pháp, câu đối cũng có những dấu hiệu khởi sắc, đó là những niềm vui cho những người đam mê thư pháp, câu đối nói riêng, đam mê tìm hiểu văn hoá chữ Hán nói chung.

    Đỗ Thanh

    Nguồn: sugia.vn
     
    minhtritn, nghia, Phan Bình and 3 others like this.

Chia sẻ trang này