Khát vọng của chủ nghĩa vị lai trong nền nghệ thuật hiện đại

Thảo luận trong 'Chuyên Đề Nghệ Thuật - Mỹ Thuật' bắt đầu bởi caycanhthiennhien, 19/6/18.

  1. caycanhthiennhien

    caycanhthiennhien Administrator Thành viên BQT

    Khát vọng của chủ nghĩa vị lai trong nền nghệ thuật hiện đại
    Cùng trong xu hướng phủ nhận quá khứ như các trào lưu hiện đại khác, nhưng ngay từ đầu thế kỷ XX, một số nghệ sĩ, đặc biệt là ở Italia, đã chủ trương xây dựng một nền nghệ thuật mang tính hiện đại triệt để.

    [​IMG]

    Đó là một nền nghệ thuật vì tương lai, hướng tới khoa học và kỹ thuật tối tân, xoá bỏ những tàn tích của thời quá khứ trong nghệ thuật, mở ra một thế giới mới cho loài người. Nền nghệ thuật đó được họ tuyên bố là nghệ thuật vị lai chủ nghĩa. Xuất phát từ Italia, chủ nghĩa vị lai ảnh hưởng sang Pháp, Đức, Anh, đặc biệt là ở Nga, rồi nhanh chóng chấm dứt sau một thời gian tồn tại ngắn ngủi.
     
    hondat, Đam Mê, thanthien and 4 others like this.
  2. caycanhthiennhien

    caycanhthiennhien Administrator Thành viên BQT

    Nước Italia đầu thế kỷ XX đang nổi lên với tham vọng trở thành một cường quốc. Đất nước này vừa trải qua một phong trào Trung hưng [tiếng Italia là “Risorgimento”], bắt đầu từ 1750 đến 1870 thì kết thúc. Đây là phong trào thống nhất các thành quốc, kể cả thành quốc Roma của giáo hoàng, để đi đến thành lập Vương quốc Italia hiện đại. Đến đầu thế kỷ XX, nước Italia thống nhất vẫn chưa thoát khỏi chủ nghĩa địa phương, dẫn đến những mâu thuẫn và chia rẽ nội bộ. Mặt khác, trước ngưỡng cửa của cuộc Chiến tranh thế giới thứ nhất, trên chính trường Italia cũng xuất hiện những mâu thuẫn giữa lực lượng dân tộc chủ nghĩa với các lực lượng xã hội chủ nghĩa của phong trào công nhân và nông dân. Trong bối cảnh đó, những vấn đề về số phận của người dân trở thành những vấn đề nhức nhối. Nhiều nghệ sĩ đã gia nhập lực lượng xã hội này để thể hiện những tư tưởng mới trong các tác phẩm của mình. Tiếp nối chủ nghĩa tả thực xã hội [tiếng Pháp: “le vérisme social”] đã được hình thành từ cuối thế kỷ XIX, các nghệ sĩ Italia đã dùng phương tiện nghệ thuật để phản ánh hiện thực xã hội đương thời.

    Chủ nghĩa tả thực xã hội lúc bấy giờ được coi là một trong những khuynh hướng nghệ thuật phi chính thống mà theo các nhà nghiên cứu thì nó là một khả năng giúp cho các văn nghệ sĩ thoát khỏi tình trạng cằn cỗi trong sáng tác. Tuy nhiên, trong nỗ lực muốn lột trần bộ mặt thật của xã hội tư sản đương thời, các văn nghệ sĩ theo chủ nghĩa tả thực xã hội lại thường dựa trên tình cảm xót thương nhiều hơn là dựa trên sự hiểu biết lịch sử về phong trào vô sản và nông dân của thời đại. Điều này cũng là một trong những hạn chế của chủ nghĩa xã hội nhân đạo lúc bấy giờ. Những sáng tác của chủ nghĩa tả thực xã hội có xu hướng làm giảm chiều sâu của tác phẩm, quy giản hình tượng nghệ thuật thành những bức tranh phác thảo sinh hoạt. Xuất phát từ ý đồ bao dung, nghệ thuật tả thực xã hội đi đến chỗ nghèo nàn về tư tưởng. Trên các diễn đàn xã hội, người ta tranh luận sôi nổi về các vấn đề của chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa nghiệp đoàn… Những cuộc tranh luận sục sôi đó bộc lộ sự cuồng loạn của những kẻ tài tử, nghiệp dư trong việc phản đối nghệ thuật chính thống.[1]
     
    hondat, Đam Mê, thanthien and 4 others like this.
  3. caycanhthiennhien

    caycanhthiennhien Administrator Thành viên BQT

    Đó chính là bối cảnh ra đời của chủ nghĩa vị lai. Các nhà nghiên cứu cho rằng chủ nghĩa vị lai xuất hiện như là sự phản ứng chống lại nghệ thuật chính thống, nhưng đồng thời nó cũng chống lại cả chủ nghĩa tả thực nhân đạo. Mục tiêu của nó là hướng tới một tính hiện đại triệt để, một nền nghệ thuật mang những đặc tính của thời hiện đại. Nhưng quan điểm hiện đại của chủ nghĩa vị lai lại thiên về tính kỹ trị chứ không chú trọng đến số phận của con người như trong các trào lưu nghệ thuật hiện đại khác. Ở đây, yếu tố công nghệ và kỹ thuật đã được suy tôn đến mức tuyệt đối, làm cho chủ nghĩa vị lai có một bộ mặt đặc biệt so với các trào lưu hiện đại của phong trào tiên phong thế kỷ XX. Tuy nhiên, do không quan tâm đến số phận con người, cho nên chủ nghĩa vị lai đã tuyên bố ủng hộ chiến tranh như là một “công việc vệ sinh duy nhất [để làm sạch] thế giới”.

    Ngày 20-2-1909, nhà văn mang hai quốc tịch Italia-Pháp Filippo Tommaso Marinetti đã cho đăng trên tờ báo Le Figaro tại Paris bản tuyên ngôn đầu tiên của chủ nghĩa vị lai in bằng tiếng Pháp nhan đề: Sự sáng lập và bản tuyên ngôn của chủ nghĩa vị lai. Trong bản tuyên ngôn này, lần đầu tiên chủ nghĩa vị lai được giới thiệu như là một trào lưu hoàn toàn mới lạ, độc đáo và tân tiến nhất, hoàn toàn đoạn tuyệt với nghệ thuật quá khứ và với tất cả các phương thức nghệ thuật chính thống hoặc theo lối truyền thống. Bản tuyên ngôn này sau đó được đăng lại trên tờ tạp chí Poesia [“Thơ ca”] tại thành phố Milano, Italia. Một năm sau xuất hiện thêm hai bản tuyên ngôn vị lai nữa của một nhóm nghệ sĩ người Italia và cũng được đăng trên Poesia. Về sau còn xuất hiện thêm nhiều bản tuyên ngôn của chủ nghĩa vị lai. Nhưng chỉ có ba bản tuyên ngôn nói trên, cộng với bản tuyên ngôn Điêu khắc vị lai của Umberto Boccioni in năm 1912, là những văn kiện quan trọng nhất phác hoạ đầy đủ diện mạo và đường lối hành động của chủ nghĩa vị lai. Thậm chí người ta còn nói chính những bản tuyên ngôn đó mới là những cái làm cho chủ nghĩa vị lai nổi tiếng chứ không phải là những sáng tác của họ.

    Quả thực, những lời tuyên bố trong bản tuyên ngôn thứ nhất đã thực sự làm cho người đọc bị sốc, thậm chí còn sốc hơn cả so với trường hợp của bản tuyên ngôn Đađa sau này, bởi lẽ đó là những lời lẽ liên quan trực tiếp đến vận mệnh của loài người. Qua những lời lẽ đó, chủ nghĩa vị lai hiện ra với những đường nét dữ dội và quyết liệt. Tinh thần cốt lõi của nó là hành động và tốc độ! Vì thế nó cũng có thể được coi là một phong trào nghệ thuật cách mạng.
     
    hondat, Đam Mê, thanthien and 4 others like this.
  4. caycanhthiennhien

    caycanhthiennhien Administrator Thành viên BQT

    Trong bản tuyên ngôn đó, Marinetti đã viết:

    “Chúng ta hãy thoát khỏi sự thông thái như thoát khỏi chiếc vỏ bọc gớm ghiếc, và chúng ta hãy quăng mình như những quả cây chín mọng kiêu hãnh vào chiếc miệng rộng hoác và méo mó của cơn gió! Chúng ta hãy nộp mình làm mồi cho cõi Xa lạ, không phải vì tuyệt vọng, mà chỉ là để lấp đầy những chiếc giếng sâu của cõi Phi lý.”

    “Vậy là, bị ngập chìm trong đống rác thải của nhà máy, chúng tôi, những kẻ bị bầm dập toàn thân và với cánh tay bị băng bó, xin tuyên bố những ước nguyện đầu tiên của mình cho tất cả những người sống trên trái đất biết:

    1. Chúng tôi muốn ca ngợi tình yêu dành cho nỗi hiểm nguy, ca ngợi thói quen của nghị lực và của lòng dũng cảm.

    2. Lòng dũng cảm, sự táo bạo, sự nổi loạn sẽ là những yếu tố chủ yếu của nền thơ ca của chúng tôi.

    3. Cho đến hôm nay văn học đã tán dương tính bất động của tư duy, tán dương cái trạng thái xuất thần và giấc ngủ. Chúng tôi muốn tán dương sự vận động gây hấn, sự mất ngủ gây sốt, bước đi như chạy, bước nhảy chết người, cú đấm và cái tát.

    4. Chúng tôi khẳng định rằng vẻ tráng lệ của thế giới đã được làm giàu bởi một vẻ đẹp mới: đó là vẻ đẹp của tốc độ. Một chiếc xe đua mà trên vỏ được trang trí bằng những chiếc ống xả to trông giống như những con rắn thở phì phò – một chiếc ôtô gào thét trông như đang chạy đua trên những cỗ súng máy, còn đẹp hơn bức tượng Nữ thần chiến thắng ở Samothrake[2].

    5. Chúng tôi muốn vinh danh cái người cầm vôlăng, người vung ngọn giáo lý tưởng của mình tung hoành khắp Trái đất, dọc theo quỹ đạo vòng tròn của anh ta.

    6. Nhà thơ cần phải cống hiến sức mình với tất cả niềm đam mê, huy hoàng và lòng độ lượng, để gia tăng lòng nhiệt tình say sưa của các yếu tố khởi nguyên.
     
    hondat, Đam Mê, thanthien and 4 others like this.
  5. caycanhthiennhien

    caycanhthiennhien Administrator Thành viên BQT

    7. Cái đẹp chỉ tồn tại trong đấu tranh. Không có một tác phẩm thiếu tính gây hấn nào lại có thể là một kiệt tác. Thơ ca cần phải được coi như là một đòn công kích mãnh liệt chống lại các lực lượng xa lạ, để buộc chúng phải quy phục trước con người.

    8. Chúng ta đang đứng ở điểm mũi tận cùng của các thế kỷ!… Vậy tại sao chúng ta phải nhìn lại phía sau nếu chúng ta muốn phá vỡ những cánh cửa của cõi Không thể? Thời gian và Không gian đã chết từ hôm qua. Chúng ta đang sống ở thời tuyệt đối rồi, khi mà chúng ta đã tạo ra được tốc độ vĩnh hằng có mặt khắp mọi nơi.

    9. Chúng tôi muốn ca ngợi chiến tranh – công việc dọn vệ sinh duy nhất của thế giới – ca ngợi chủ nghĩa quân phiệt, chủ nghĩa yêu nước, hành vi phá hoại của những người vô chính phủ, ca ngợi những ý tưởng đẹp mà vì chúng người ta có thể chết, và ca ngợi sự khinh bỉ phụ nữ.

    10. Chúng tôi muốn phá huỷ các nhà bảo tàng, các thư viện, các viện hàn lâm thuộc bất cứ loại nào, và chúng tôi muốn đấu tranh chống lại luân thường đạo lý, chống lại phong trào nữ quyền và chống lại bất cứ một thái độ hèn nhát mang tính cơ hội và vụ lợi nào.

    11. Chúng tôi sẽ ca ngợi những nhóm người phấn khích bởi công việc, bởi niềm vui hay sự nổi loạn; chúng tôi sẽ ca ngợi những cơn sóng thuỷ triều cách mạng đa sắc màu và đa âm thanh ở các thủ đô hiện đại; chúng tôi sẽ ca ngợi sự sôi động ban đêm của những xưởng vũ khí và những xưởng đóng tàu sáng chói ánh trăng điện, những nhà ga tham lam nuốt chửng những con rắn đang nhả khói; những nhà máy được treo trên mây bằng những sợi khói ngoằn nghèo; những chiếc cầu – giống như những vận động viên thể dục khổng lồ – bước qua những con sông lấp lánh dưới ánh mặt trời như ánh thép lưỡi dao; những con tàu thuỷ thích phiêu lưu lướt sóng tới tận chân trời; những chiếc đầu tàu hoả ngực nở gõ nhịp trên đường ray giống như những con ngựa thép khổng lồ được thắng cương bằng những ống sắt; và chúng tôi ca ngợi sự bay lượn của những chiếc máy bay mà cánh quạt của chúng đập trong gió như những lá cờ và có vẻ như chúng đang vỗ tay hoan hô như một đám đông phấn khích.”[3]
     
    hondat, Đam Mê, thanthien and 4 others like this.
  6. caycanhthiennhien

    caycanhthiennhien Administrator Thành viên BQT

    Đó là những lời tuyên bố thật cực đoan. Quan điểm kỹ trị và phi nhân được thể hiện hùng hồn trong bản tuyên ngôn này. Trong bản tuyên ngôn tiếp theo, các nghệ sĩ Italia còn khẳng định thêm vai trò của khoa học và công nghệ của thời vị lai:

    “Hỡi các đồng chí! Chúng tôi xin tuyên bố với các đồng chí rằng sự tiến bộ hân hoan của khoa học đã dẫn đến những sự thay đổi của nhân loại sâu sắc đến nỗi làm hình thành một vực sâu ngăn cách giữa những kẻ nô lệ ngoan ngoãn của quá khứ với những người tự do chúng ta, những người tin tưởng chắc chắn vào sự huy hoàng rạng rỡ của tương lai.”[4]

    Các nghệ sĩ vị lai kêu gọi đập phá tất cả những gì thuộc về quá khứ và gợi lại quá khứ. Nó tuyên bố xoá bỏ mọi thiết chế xã hội cũ. Nhà bảo tàng được coi là những nghĩa địa, những phòng ngủ công cộng, những cuộc chém giết phi lý của các hoạ sĩ và các nhà điêu khắc… Thư viện chỉ là nơi chứa đựng những thứ đồ cũ có hại. Tất cả đều phải bị thiêu huỷ! Tất cả chỉ để sống với thời hiện tại và tương lai. Đó chính là “vị lai”! [Tức là “vì tương lai”.]

    Xét về mặt chính trị-xã hội, quan điểm trên đây là một quan điểm cực đoan của chủ nghĩa vị lai Italia, thậm chí phản động về mặt chính trị-xã hội. Quan điểm này đã làm cho một số nghệ sĩ – điển hình là Marinetti – đến gần với chủ nghĩa phátxít của Mussolini, ủng hộ nước Italia tham gia Chiến tranh thế giới thứ nhất. Có thể nói, trong khi ở các nước châu Âu, phong trào nghệ thuật tiên phong phát triển theo hướng chống đối lại chế độ tư bản, thì chủ nghĩa vị lai Italia lại trở thành một trào lưu phản động nhất theo tư tưởng của chủ nghĩa dân tộc. Đó cũng là điều làm cho nhóm này nhanh chóng tan rã. Trên thực tế, cho đến giữa Chiến tranh thế giới thứ nhất thì trào lưu vị lai gần như chấm dứt. Một số nghệ sĩ chuyển sang trường phái lập thể, một số theo xu hướng siêu hình của chủ nghĩa siêu thực…

    ***​
     
    hondat, Đam Mê, thanthien and 4 others like this.
  7. caycanhthiennhien

    caycanhthiennhien Administrator Thành viên BQT

    Tuy nhiên, xét trên lĩnh vực nghệ thuật, chủ nghĩa vị lai cũng đã để lại được những dấu ấn đáng ghi nhận. Trong lĩnh vực thơ ca, Marinetti đã viết những bài văn thơ đả kích những thói hủ lậu và ca ngợi những lý tưởng mới của thời hiện đại, góp tiếng nói khẳng định cho phong trào tiên phong đang hình thành đầu thế kỷ XX. Trong lĩnh vực thi ca, thi pháp quan trọng của chủ nghĩa vị lai là sự tự do của câu chữ. Đây cũng là một thi pháp sẽ được trường phái Đađa và siêu thực tiếp thu.

    Trong lĩnh vực nghệ thuật tạo hình, chủ nghĩa vị lai cũng tạo lập được cho mình những dấu ấn riêng. Ở đây chúng ta phải kể đến nỗ lực của danh hoạ Umberto Boccioni. Ông đã viết nhiều bài tiểu luận và đến năm 1914 đã xuất bản tại Milano thành một tập sách nhan đề Hội hoạ và điêu khắc vị lai. Quan điểm nghệ thuật của Boccioni chịu ảnh hưởng trực tiếp lý thuyết trực giác của học giả người Pháp Henri Bergson qua công trình Nhập môn siêu hình học của ông. Lý thuyết trực giác của Bergson, cộng với quan niệm nghệ thuật của chủ nghĩa lập thể, đã làm thành cơ sở mỹ học cho sáng tác của Boccioni. Tuy nhiên, khác với nhiều nghệ sĩ vị lai, Boccioni không chịu sự quy định chặt chẽ của chủ nghĩa lạc quan của trường phái vị lai. Ông luôn trăn trở trước hiện thực bi kịch của xã hội đương thời và có ý thức về tình trạng khủng hoảng tinh thần của giới trí thức châu Âu ở giai đoạn giao thời giữa hai thế kỷ. Cho nên chủ nghĩa lạc quan vị lai của ông mang chất kịch tính. Kịch tínhtrở thành một trong những yếu tố thi pháp của nghệ thuật tạo hình của ông. Ông đã tuyên bố: “Đối với chúng ta, bức tranh chính là bản thân cuộc sống, được cảm nhận trong sự biến đổi của nó ở bên trong đối tượng chứ không phải từ bên ngoài.” Trong bản “Tuyên ngôn của các hoạ sĩ vị lai” năm 1910 trong đó Boccioni là một trong 5 hoạ sĩ ký tên, các tác giả đã tuyên bố đoạn tuyệt hẳn với quá khứ và hướng vào hiện tại và tương lai: “Chúng ta hãy tái hiện và vinh danh cuộc sống đương đại, một cuộc sống đang không ngừng được khoa học thắng thế làm biến đổi một cách sôi động.”[5]

    Trên cơ sở của quan niệm nghệ thuật vì hiện tại và tương lai này, và bằng việc kết hợp quan điểm đề cao tốc độ của chủ nghĩa vị lai với thi pháp lập thể, Boccioni đã tạo ra một thi pháp hội hoạ về nhịp điệu và tính năng động. Trong bức tranh Đàn hồi vẽ năm 1912, Boccioni đã dùng phương pháp chia cắt hình khối của chủ nghĩa lập thể để mổ xẻ đối tượng rồi tái tạo lại theo một cấu trúc năng động để mô tả tốc độ và nhịp điệu. Đối tượng ở đây là một người kỵ sĩ đang cưỡi ngựa. Đó chính là một ví dụ điển hình về cách tạo lập các hình khối động. Trong cuốn sách Hội hoạ và điêu khác vị lai. Tính năng động tạo hình, xuất bản năm 1914 tại Milano, Italia, Boccioni đã tuyên bố: “không có cái gì tồn tại bất động trong trực giác hiện đại của chúng ta về cuộc sống.”[6]

    Như vậy, hình khối động là đặc trưng cơ bản của hội hoạ vị lai, nó khác hẳn với hình khối tĩnh của chủ nghĩa lập thể. Đó cũng chính là thành công và đóng góp quan trọng của nghệ thuật tạo hình vị lai.

    Mặc dù đề cao chủ nghĩa duy kỹ thuật một cách thô bạo, nhưng chủ nghĩa vị lai vẫn có một ý tưởng đúng đắn khi nó chủ trương đưa nghệ thuật thoát khỏi những khuôn khổ hạn hẹp của các quan niệm nghệ thuật thế kỷ XIX. Chỉ có như thế, nghệ thuật mới đạt được tính hiện đại mà cả thời đại đang mong muốn. Bằng cách đó, chủ nghĩa vị lai đã góp một tiếng nói cho phong trào nghệ thuật tiên phong thế kỷ XX và cho sự phát triển của lịch sử nghệ thuật nói chung. Chính vì thế mà, mặc dù chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn, nhưng chủ nghĩa vị lai Italia cũng đã có ảnh hưởng đến các trào lưu hiện đại khác và đến nghệ thuật của nhiều nước châu Âu. Chủ nghĩa Đađa, chủ nghĩa biểu hiện và chủ nghĩa trừu tượng cũng có được sự gợi ý nhất định của chủ nghĩa vị lai. Với tư cách là một trong những trào lưu đầu tiên của phong trào nghệ thuật tiên phong, và với tư cách là một trào lưu hiện đại đầu tiên mang tính cách mạng triệt để trong nghệ thuật, chủ nghĩa vị lai Italia còn có tầm ảnh hưởng khá xa: sang cả nước Anh và nước Nga xa xôi. Trong tinh thần này, chủ nghĩa vị lai Nga có một vị trí đặc biệt.

    ***​
     
    hondat, Đam Mê, thanthien and 4 others like this.
  8. caycanhthiennhien

    caycanhthiennhien Administrator Thành viên BQT

    Tiếp thu chủ nghĩa vị lai Italia, nhưng chủ nghĩa vị lai Nga đã tạo dựng được cho mình những cá tính riêng. Trong lĩnh vực hội hoạ, các hoạ sĩ Nga cũng muốn tạo cho mình một bản sắc đặc thù. Năm 1913, hoạ sĩ Mikhail Larionov đã tung ra một bản Tuyên ngôn của chủ nghĩa tia sáng[tiếng Nga: “luchizm”; tiếng Anh: “rayonism” hay “rayism”]. Ông giải thích rằng chủ nghĩa tia sáng là sự tổng hợp của chủ nghĩa lập thể, chủ nghĩa vị lai và của xu hướng sắc màu [tiếng Anh: “orphism”]. Ông đề cao phương Đông và tinh thần dân tộc Nga để đối lập với phương Tây. Để giải thích cho cái tên gọi “chủ nghĩa tia sáng”, ông tuyên bố: “Phong cách hội hoạ tia sáng mà chúng tôi đề xuất có liên quan đến các hình thức không gian được tạo lập thông qua sự giao cắt giữa các tia sáng được phản chiếu từ các đồ vật khác nhau cũng như từ các hình khối đã được người nghệ sĩ phân định ranh giới.”[7]

    Từ 1907-1908, Larionov đã vẽ những bức tranh vị lai theo bút pháp nguệch ngoạc, với những hình khối biến dạng méo mó và nghịch dị. Nhưng sau đó, ông đã kết hợp phong cách vị lai với phong cách lập thể và sắc màu để vẽ nên những bức tranh theo phong cách “tia sáng”, được coi là một trong ba trào lưu của chủ nghĩa trừu tượng. Cùng với Goncharova, Larionov đã tạo nên một trường phái vị lai-trừu tượng Nga đặc thù trong hội hoạ.

    Trong lĩnh vực thơ ca, chủ nghĩa vị lai Nga cũng có một tiếng nói riêng. Cùng trong khát vọng chung của các nước châu Âu hướng tới tính hiện đại, các nghệ sĩ Nga thời kỳ trước cách mạng tháng Mười nhận thấy ở chủ nghĩa vị lai Italia một nguồn động viên mạnh mẽ bởi tính quyết liệt trong chủ trương hiện đại hoá nghệ thuật của nó. Trong bối cảnh đó, các nhà thơ Nga, đứng đầu là Maiakovski, đã tiếp thu chủ nghĩa vị lai Italia như một lẽ tự nhiên.
     
    hondat, Đam Mê, thanthien and 4 others like this.
  9. caycanhthiennhien

    caycanhthiennhien Administrator Thành viên BQT

    Nhưng, như Larionov đã tuyên bố trong Tuyên ngôn của chủ nghĩa tia sáng, các văn nghệ sĩ Nga đã kết hợp các giá trị phương Đông cùng với bản sắc dân tộc Nga để xây dựng một nền nghệ thuật đặc sắc dân tộc. Không khí tiền cách mạng của nước Nga, cùng với những tư tưởng cách mạng tiến bộ lúc bấy giờ, đã giúp cho các văn nghệ sĩ Nga có được những quan niệm rõ ràng về sứ mạng xã hội của nghệ thuật. Trong chuyến đi đến Moskva năm 1913 của Marinetti, các văn nghệ sĩ vị lai Nga đã huýt sáo la ó phản đối, vì họ coi ông là một kẻ đại diện cho giai cấp tư sản hiếu chiến. Đối lại với quan điểm ca ngợi chiến tranh của Marinetti, Maiakovski đã viết hẳn một bài thơ chống chiến tranh kịch liệt:

    “Trái đất ngày mai sẽ không còn lành lặn chân tay
    và tâm hồn sẽ bị dày xéo
    bởi những bàn chân của kẻ lạ
    tất cả chỉ để cho một kẻ nào đó
    có thể vươn bàn tay
    chộp lấy một miền Mesopotamia nào đó…
    Mi, kẻ chiến đấu và chết vì họ,
    khi mi đứng trên đôi chân
    với cả thân hình hiên ngang
    quăng vào mặt họ
    nỗi căm ghét sâu xa
    với một tiếng thét: – Vì sao
    phải có cuộc chiến tranh này?[8]

    Rõ ràng, nhóm vị lai của Maiakovski có một lập trường xã hội tiến bộ hơn rất nhiều so với Marinetti. Đó là một lập trường cách mạng, chống quân phiệt và chống đế quốc. Nhưng, về mặt thi pháp nghệ thuật, các nhà thơ vị lai Nga vẫn tiếp thu cái cú pháp ngôn từ tự do của chủ nghĩa vị lai Italia. Mục đích của họ là muốn hiện đại hoá nền thơ ca Nga đang bế tắc trong những hạn chế của thế kỷ XIX lúc bấy giờ. Những nỗ lực đổi mới thơ ca của Maiakovski cũng có phần chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa vị lai Italia. ảnh hưởng đó thể hiện ở cả quan niệm nghệ thuật chứ không phải chỉ đơn thuần về thi pháp. Khát vọng hiện đại của các trào lưu hiện đại thuộc phong trào tiên phong, trong đó chắc chắn có chủ nghĩa vị lai, đã ảnh hưởng khá rõ trong thơ Maiakovski đầu thế kỷ XX. Trong trường ca Đám mây mặc quần (1914-1915), Maiakovski khởi xướng một loại thơ “đường phố” để đoạn tuyệt với văn thơ truyền thống. Ông đã viết:

    “Tôi thiết gì Phauxt
    dùng phép thánh thăng thiên
    cùng Mêphixtô lướt sàn ván nhà trời!
    Tôi biết –
    chiếc đinh gót dày ống của tôi
    Còn kinh khủng hơn vẽ vời của Gớt!
    (…)
    Mặc xác họ
    Những Hômer, Ôvit
    nhân vật họ đâu có như ta,
    lỗ rỗ nhọ than.”[9]
     
    hondat, Đam Mê, thanthien and 4 others like this.
  10. caycanhthiennhien

    caycanhthiennhien Administrator Thành viên BQT

    Trong tinh thần đó, Maiakovski sẵn sàng đưa những từ ngữ đời thường vào thơ, kể cả những từ ngữ rất thô tục, sử dụng những hình ảnh so sánh và liên tưởng rất tuỳ hứng. Ngay từ đầu bản trường ca, ông đã viết:

    “Tôi không phải đàn ông, mà – đám mây mặc quần!
    (…)
    Những người đàn ông nằm mốc như bệnh xá,
    những người đàn bà tàn tạ như tục ngữ, phương ngôn.
    (…)
    Vũ trụ ngủ,
    đặt lên trên cẳng
    chiếc tai khổng lồ lấm tấm bọ chét sao.”

    Thế nào là “đám mây mặc quần”? Thế nào là “nằm mốc như bệnh xá”? Thế nào là “tàn tạ như tục ngữ, phương ngôn”? Thế nào là “Vũ trụ ngủ đặt lên trên cẳng chiếc tai khổng lồ?”… Có lẽ chỉ có viện đến thi pháp vị lai mới có thể giải thích được. Nhìn tổng thể, như Maiakovski đã giải thích rõ thêm trong lần tái bản năm 1918, Đám mây mặc quần là một tác phẩm mang tư tưởng và nghệ thuật hoàn toàn hiện đại, chống đối lại xã hội và nghệ thuật tư sản chính thống đương thời. Ông viết:

    “Tôi coi Đám mây mặc quần… là cuốn giáo lý toát yếu của nghệ thuật ngày nay: ‘Đả đảo tình yêu của các người’, ‘đả đảo nghệ thuật của các người’, ‘đả đảo chế độ của các người’, ‘đả đảo tôn giáo của các người’ là bốn tiếng gào thét của bốn phần.”[10]

    Chúng tôi cho rằng những nỗ lực đổi mới đó chính là sự đóng góp đáng kể của chủ nghĩa vị lai Nga cho việc hiện đại hoá thơ ca. Và ở đây, bóng dáng của chủ nghĩa vị lai Italia, và có thể của cả chủ nghĩa siêu thực châu Âu, là không thể phủ nhận. Chính bản thân Maiakovski đã thừa nhận: “Giữa chủ nghĩa vị lai Italia và chủ nghĩa vị lai Nga có những yếu tố chung… Trong lĩnh vực thủ pháp hình thức có sự giống nhau giữa chủ nghĩa vị lai Nga với chủ nghĩa vị lai Italia… Phương thức nhào nặn nguyên liệu của cả hai là giống nhau.” Mặc dù Maiakovski vẫn xác định rõ rằng: “Về mặt tư tưởng, chúng tôi không có gì chia sẻ với chủ nghĩa vị lai Italia.”[11]

    Ở đây, Maiakovski muốn ám chỉ tư tưởng xã hội, nhưng còn quan niệm về vai trò của nghệ thuật và về sứ mạng đổi mới của nó trong xã hội hiện đại thì không thể nói là chủ nghĩa vị lai Nga không có liên quan gì đến chủ nghĩa vị lai Italia nói riêng và đến phong trào tiên phong nói chung.
     
    hondat, Đam Mê, thanthien and 4 others like this.
  11. caycanhthiennhien

    caycanhthiennhien Administrator Thành viên BQT

    Tuy nhiên, trong số các nhà thơ vị lai Nga cũng có những nhà thơ quá sa đà vào cú pháp ngôn từ tự do, dẫn đến những bài thơ lập dị cực đoan, phi thẩm mỹ. Ví dụ như đây là những câu thơ của nhà thơ vị lai Nga Kruchenikh:

    Bài thơ thuốc mỡ

    Bài số 1:

    Dir bul shtiil
    ubp sh sht u r
    skum
    vii so bu
    r l ez.
    (…)

    Bài số 3:

    Ta sa mae
    kha ra bau
    saem siiu gub
    radub mola
    all.”

    Sự thách thức chế giễu

    Chkho – khokh!
    Uvei chiplia!
    Zlakon! Zlubon!
    Shaguimp’!
    Fa – zu – zu – zu.”[12]

    Và còn nhiều bài khác tương tự như vậy!

    Đến năm 1923, Maiakovski đã viết bản tuyên ngôn Tạp chí LEF

    (*) đấu tranh vì cái gì?, trong đó ông khẳng định lại một lần nữa rằng chủ nghĩa vị lai Nga đã cắt đứt hẳn quan hệ với chủ nghĩa vị lai của Marinetti; rằng Cách mạng tháng Mười đã thanh lọc, đã sắp xếp lại và tổ chức lại để chủ nghĩa vị lai Nga trở thành mặt trận cánh tả của nghệ thuật. Đó là hướng đi tích cực của chủ nghĩa vị lai Nga và cũng là đặc điểm riêng của nó trong văn học Xô-viết đầu thế kỷ XX.

    Có thể nói, loại bỏ khía cạnh cực đoan trong quan điểm xã hội và trong quan niệm nghệ thuật của nó, với những gì nó đã làm được ở Italia và những nơi khác trên đất châu Âu, đặc biệt là ở Nga, chúng ta vẫn phải ghi nhận sự đóng góp của chủ nghĩa vị lai cho phong trào nghệ thuật tiên phong, đặc biệt là về nỗ lực hiện đại hoá nghệ thuật của nó. Với những gì nó đã làm được trong một thời gian ngắn ngủi, chủ nghĩa vị lai vẫn xứng đáng được ghi nhận về vị trí của mình trong lịch sử nghệ thuật.

    —————————​
     
    hondat, Đam Mê, thanthien and 4 others like this.
  12. caycanhthiennhien

    caycanhthiennhien Administrator Thành viên BQT

    Chú thích:

    [1]Xem Mario De Micheli, Avangarda artistică a secolului XX [“Phong trào nghệ thuật tiên phong thế kỷ XX”], Editura Meridiane, Bucuresti, 1968, tr. 210 (tiếng Rumani; xuất bản lần đầu bằng tiếng Italia: 1959).

    [2]Một bức tượng tạc nữ thần chiến thắng Nike, có niên đại vào khoảng năm 190 trước CN, được nhà khảo cổ học người Pháp Charles Champoiseau phát hiện năm 1863 tại hòn đảo Samothrake [nay là Samothraki, tiếng Pháp: Samothrace] của Hy Lạp, nằm ở phía Bắc Biển Êgê, được coi là một trong những tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng của văn minh Hy Lạp cổ đại, hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Louvre, Paris.

    [3]F. T. Marinetti, “The Founding and Manifesto of Futurism”,

    [4]“Manifestul pictorilor futuristi” [“Tuyên ngôn của các hoạ sĩ siêu thực”], trong: Mario De Micheli, sđd, tr. 333.

    [5]“Manifestul pictorilor futuristi”, trong: Mario De Micheli, sđd, tr. 335.

    [6]Trích theo Marcel Brion, Arta abstractă [“Nghệ thuật trừu tượng”], Editura Meridiane, Bucuresti, 1972, tr. 210 (tiếng Rumani; bản tiếng Pháp: 1956).

    [7]Mikhail Larionov, “Manifestul raionismului”, trong: Mario De Micheli, sđd, tr. 340.

    [8]Trích theo Mario De Micheli, sđd, tr. 221.

    [9]Maiakôpxki, Trường ca, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1987 (Hoàng Ngọc Hiến dịch và giới thiệu), tr. 47-48.

    [10]Maiakôpxki, Trường ca, sđd, tr. 285.

    [11]Trích theo Mario De Micheli, sđd, tr. 221.

    [12]Trích từ sách: Serge Fauchereau, L’Avant-garde russe. Futuristes et acmeistes [“Phong trào tiên phong Nga. Các nghệ sĩ vị lai và acmê [‘theo chủ nghĩa tinh hoa’]”], Éditions Pierre Belfond, Paris, 1979 (tiếng Pháp).

    (*)LEF: Viết tắt của tên tiếng Nga: “Mặt trận nghệ thuật cánh tả”.

    Theo TẠP CHÍ VĂN HỌC NƯỚC NGOÀI

    Trích từ: redsvn.net
     
    hondat, Đam Mê, thanthien and 4 others like this.

Chia sẻ trang này