Nghĩ về kiến trúc và nghệ thuật dân gian nhân ngày Tết

Thảo luận trong 'Chia sẻ kinh nghiệm' bắt đầu bởi caycanhthiennhien, 17/2/18.

  1. caycanhthiennhien

    caycanhthiennhien Administrator Thành viên BQT

    Nghĩ về kiến trúc và nghệ thuật dân gian nhân ngày Tết

    Kiến trúc và Nghệ thuật dân gian là những cái đẹp tình đời, phát sinh đi liền với cách làm ăn sinh sống, lề thói, ứng xử họ hàng làng nước với nhau.

    [​IMG]

    Sáng tạo nghệ thuật tập thể, kiểu vừa truyền nghề vừa thể hiện mọi lúc mọi nơi của người bình dân là ngọn nguồn và cả một thế giới tươi tắn của nền văn hóa. Ví như nghề nông và đời sống làng xã Việt đã vun bón nên cả một gia tài nghệ thuật rất mực rộn ràng, phong phú: xây dựng đình, chùa, miếu mạo, các nghề thủ công mỹ nghệ, vàng mã, làm tranh, câu đối, đồng dao, hát đúm, hò đò, múa rối…

    Nghệ thuật dân gian luôn duy trì cách dàn dựng sơ cấp, vô tư bộc bạch chuyện đời thường, luôn có thể “đệ trình” những mảng miếng hồn hậu. Hệ thống loại hình với những phép đối lập phân cực và đối xứng của nó: “thiện – ác”, “cao thượng – thấp hèn”, “hay – dở”…ngày xưa, nay vẫn được thể hiện lại để biểu dương các năng lực xã hội thời kinh tế thị trường.
     
    Đam Mê, hondat, thanthien and 4 others like this.
  2. caycanhthiennhien

    caycanhthiennhien Administrator Thành viên BQT

    Trong kiến trúc, âm nhạc, trường ca, vũ điệu và mỹ thuật ứng dụng, các nghệ nhân vô danh đã để lại rất nhiều tác phẩm xuất sắc, chiếm vị trí xứng đáng trong di sản nghệ thuật của đất nước… Người tiêu dùng nghệ thuật luôn được hưởng duy lợi sát sườn, ít tốn kém tiền bạc. Khi tiêu dùng, người ta có thể chia sẻ tối đa tình cảm, đến mức có thể ứng xử như “đồng sáng tạo”. Nhiều trường hợp, trong thể loại nghệ thuật thời gian, người tiêu dùng còn trực tiếp tham gia thể hiện, biểu diễn, làm trò… Kiến trúc, nghệ thuật dân gian luôn chiếm lĩnh khách hàng vào loại tiềm năng nhất.

    Xưa nay người ta thực hiện khá nhiều khảo cứu về cái xã hội trong kiến trúc và nghệ thuật dân gian. Một số người, có thể do quá lệ thuộc vào khảo sát, điều tra thị trường tiêu dùng mỹ thuật, đã trình bày những ý niệm về những người “khắp chợ cùng quê” một cách chưa đúng mức. Coi họ cùng lắm là những người chỉ biết mô phỏng cuộc sống một cách thô thiển, tuỳ tiện, lấy ngay những thứ cây nhà lá vườn để nhấm nháp, khoả lấp tâm hồn, vay mượn các giá trị tinh thần sẵn có… Số khác thì phản bác những phát biểu như thế, nặng lời trước cái gọi là “thiếu thiện ý học thuật”, chỉ trích các hành vi cổ động cho sự bất bình đẳng về văn hóa xã hội, phê phán những nhà mỹ học, mà theo họ là không nhận ra tiềm năng sáng tạo trong ý thức dân gian… Thực ra, cả hai hiện tượng xã hội: sấp mặt hay ve vãn thái quá đối với kiến trúc và nghệ thuật dân gian đều dễ xảy ra ở giai đoạn lịch sử đang có biến động, thăng trầm lớn về xã hội, kinh tế. Khi mà, các tổ chức xã hội chính thức của giai đoạn đó nỗ lực tìm kiếm sự ổn định, hài hoà cho xã hội toàn thể một cách nóng vội và thiếu tự tin… Thực chất, đây là sự trả giá của các tổ chức xã hội để củng cố và thực hiện chức năng của mình, dung hoà các thiết chế có sẵn và thiết chế mới, bằng cách đoạn tuyệt hay đoạn tuyệt tạm thời với những giá trị truyền thống nhân đạo và nhân bản.
     
    Đam Mê, hondat, thanthien and 4 others like this.
  3. caycanhthiennhien

    caycanhthiennhien Administrator Thành viên BQT

    Các nhà xã hội học nghệ thuật thường quan tâm đến số phận nghệ thuật dân gian và đề xuất giải pháp gìn giữ nghệ thuật này. Theo họ, không cần thiết tổ chức nhân bản hàng loạt các hình tượng quy chuẩn của sáng tác dân gian hoặc thu gom chúng đưa về các bảo tàng, mà phải bảo tồn chúng với tư cách khối thống nhất thẩm mỹ tự nhiên, có cá tính chỉnh thể sống động như đang phát triển. Điều đáng mừng là hiện nay khá sẵn sàng một số điều kiện cho sáng tác dân gian. Trong đó quan trọng nhất là việc thể hiện vào cuộc sống đường lối đổi mới phát triển kinh tế – xã hội của Chính phủ. Rõ ràng, nghệ thuật dân gian những năm gần đây đại trà và bay bướm rõ rệt, bộc lộ sự tương hợp giữa nó với những đặc điểm kinh tế – xã hội đổi mới: từ xoá đói giảm nghèo đến làm ăn phát đạt, mức sống dư dả hơn, ngành du lịch, giải trí phát triển vượt bực… Đáng chú ý đến một năng lực xã hội của nó: đội ngũ khá đông đảo KTS, nghệ sĩ chuyên nghiệp tự “nghiệp dư hoá”, tự “vô danh hoá”, ẩn mình trong hàng ngũ lao động nghệ thuật dân gian với hệ thống máy móc công cụ, cơ khí chính xác, các phương tiện nghe nhìn điện tử… Có người phỏng đoán thu nhập của một nghệ nhân dân gian thời nay có thể gấp nhiều lần nghệ sỹ chính quy?! Hoặc giả, trong vòng dăm bữa, nửa tháng cả một làng quê, thị trấn, thậm chí đô thị có thể trở thành những xưởng mỹ thuật đại quy mô hay bãi chiến trường kiến trúc gấp gấp thoả mãn người tiêu dùng. Một mặt bất cứ lúc nào người ta cũng có thể sáng tạo nhanh-nhiều-tốt-rẻ các sản phẩm nghệ thuật, mặt khác lại làm cho nghệ thuật dân gian tổn thất tính hồn nhiên – đặc tính dễ thương và đáng yêu nhất của nó. Đương nhiên, dù có được sáng tạo ngay giữa đương đại, nghệ thuật dân gian vẫn loay hoay trong sở trường của mình: mô hình hóa thực tại bằng các phương tiện hết sức khái lược (có thế mới là nghệ thuật dân gian!) Có thể xem đó là hạn chế, có thể không, nhưng dứt khoát phải ghi nhận khả năng độc đáo của nghệ thuật này, đó là đáp ứng nhu cầu muôn vẻ tình cảm của những con người hết sức khác nhau trong xã hội. Chính đây là bí quyết tạo nên sức sống dai dẳng của sáng tác dân gian, là cái “phát triển theo chiều ngang” như người ta hay nói. Một phương thức như vậy là độc quyền, là tiềm năng rất đặc biệt của nghệ thuật này. Để khi gặp được mầu mỡ cuộc đời sẽ xuất hiện thể loại dân gian “gãi đúng chỗ ngứa” nhất và làm ấm lòng trăm họ…
     
    Đam Mê, hondat, thanthien and 3 others like this.
  4. caycanhthiennhien

    caycanhthiennhien Administrator Thành viên BQT

    Ngoài tác động tích cực, những điều kiện vật chất và kỹ thuật rất dễ biến nền nghệ thuật dân gian, vốn trong sáng và đáng yêu trở thành một thứ “nhanh nhiều tốt rẻ”, thô thiển, cứng nhắc, trưởng giả hoá và khôi hài đến mức chính dân gian cũng không chịu nổi. Điều khó xử ấy không loại trừ bất kỳ thể loại dân gian nào, từ âm nhạc, sân khấu, thi ca truyền miệng đến kiến trúc, tranh tượng và mỹ thuật thủ công… Thế nên, một mặt khái niệm dân gian mở ra cho người ta lối suy nghĩ tích cực về bản sắc thẩm mỹ của một xã hội toàn thể, nhất là cộng đồng Dân tộc. Mặt khác, nếu bị lạm dụng sẽ lạc hướng sang tự biện hợm hĩnh, thiên vị năng lực xã hội của cộng đồng hay tổ chức xã hội nào đó mà nghệ sĩ (thường khuyết danh) hoặc kẻ cơ hội – “người đặt hàng”, là thành viên. Hàm lượng thiếu tiết chế của nghệ thuật dân gian trong quá trình xã hội hoá sẽ dẫn đến Giáo dục nghệ thuật mất thăng bằng, kém hiệu quả và nhiều hệ luỵ…

    Chừng nào trên đất Việt còn một làng trên xóm dưới, con đò, luống khoai, đám lúa, buổi chợ phiên, ba ngày hội, một vầng trăng… thì mái đình, cây đa, bến nước con đò; tiếng hò khoan, ru hời, khóc đám, hát xuân, mớ tranh tết, ông phỗng đất, mẹt tò he… sẽ còn làm xao xuyến lòng người.

    .. và đến Tết
     
    Đam Mê, hondat, thanthien and 4 others like this.
  5. caycanhthiennhien

    caycanhthiennhien Administrator Thành viên BQT

    Tết Nguyên Đán tuy chính ngày mồng một tháng Giêng âm lịch, nhưng người miền quê thực sự chuẩn bị, sắm sửa từ dạo tháng Chạp, vì việc đồng áng đã thư thả (xưa ra giêng bà con mới cấy vụ hè). Việc lớn như dọi lại mái nhà, tát ao bắt cá (nhân thể lựa riêng mấy con cá quả, trắm đen, chép đỏ bự nhất trữ sống trong chum, dành làm cỗ tết). Vợt bùn đắp lại bờ ao, bón chân hàng dậu, dọn dẹp vườn tược, phát quang bụi rậm, quét vôi gốc cây, vén tỉa ngõ trúc… Nhiều nơi ở nông thôn còn chặt tre, kết 3 bó rạ, buộc một bó vàng mã, dựng cây nêu trước sân nhà. Cây nêu tượng trưng cho hạnh phúc nhà nông xưa. Trồng nêu trước tết, đến ngày khai hạ (mùng 7) thì hạ nêu. Có nhà còn lấy cây dứa gai cài ngoài cửa con hàng dậu, rắc vôi bột, vẽ bàn cờ, kẻ cái cung, cái nỏ trong sân, cũng là có ý trừ tà, kẻo năm mới ma quỷ vào nhà quấy nhiễu… Ở thành phố, trước năm mới thường vá lại vỉa hè, thông sạch cống rãnh, sơn phết tường rào, vệ sinh hàng cây, mắc thêm đèn chiếu sáng, đèn trang trí, sửa biển hiệu, tân trang quầy hàng. Nhà nhà trồng thêm cây cảnh, bày chậu hoa mới. Chỗ nào cũng như mới mẻ, tươi thắm hẳn lên.

    Ngày tết bắt đầu cho một năm, nên người Việt mong muốn tống cựu nghênh tân trong khung cảnh tinh tươm, no ấm âu cũng là lẽ thường tình. Mấy bữa gần tết cả làng inh ỏi tiếng lợn bị chọc tiết (việc đánh tiếng “đụng” lợn phải thoả thuận từ trước). Tiếng chày giã giò ra nhịp hối hả, tiếng dao thớt tất bật. Nơi bờ giếng, chỗ cầu ao đàn bà con gái tíu tít vo nếp, đãi đỗ, rửa lá dong, lá chuối, hỏi han nhau tết to tết nhỏ… Rậm rịch lắm, tết lắm.
     
    Đam Mê, hondat, thanthien and 4 others like this.
  6. caycanhthiennhien

    caycanhthiennhien Administrator Thành viên BQT

    Trong nhà la liệt đám gói bánh chưng, gói giò lụa, giò xào. Í ới tấm lá, sợi lạt… .Bàn thờ, tủ thờ, ghế thắp hương bằng gỗ thường, gỗ tốt, gỗ sơn mài. Sang cả thì thửa bằng gỗ qúy, chạm trổ công phu, sơn son thiếp vàng. Kèm theo là bát hương, lọ hoa, chén nước, chân đèn, chân nến, đèn cầy, đĩa đựng trái cây, mâm bày ngũ quả, bộ ấm chén thờ, lư hương, đỉnh đốt trầm… Xưa dân gian không có lệ thờ tượng tại nơi ăn nghỉ, gần đây thấy xuất hiện tượng Đức Phật, Quan Âm, Thần tài… Sát ngày mùng 1, người lớn, trẻ nhỏ tíu tít quét tước nhà cửa, lau chùi. Đồ đồng, đồ thau cứ sáng choang hết cả lên. Đại tự “Cung chúc Tân niên”, cặp câu đối roi rói mực tàu giấy đỏ, đôi liễn mới được trương lên, tỏ thành tâm câu chữ thánh hiền, cửa nhà thêm ra dáng thanh quý. Dân ta đa phần sùng đạo Phật nên đồ cúng tết mang nhiều màu đỏ son, vàng ánh với hình tứ linh, tứ qúy… Đơn sơ như ban thờ bằng tre, ngày tết dán thêm giấy điều, tô phẩm. Cũng đủ bài vị, chân dung cố phụ, cố mẫu, ảnh kỵ… Nhà nghèo đến mấy cũng cố dành dụm, sắm sửa bàn thờ tươm tất, hương khói, cúng vọng tổ tiên trong ba ngày tết.

    Nết treo tranh tết có từ lâu đời, chắt chiu phần hồn Việt trong lành, nhân hậu, lấp lánh nét đẹp cội nguồn. Đâu cũng thấy bày tranh tết, nhà nào cũng treo tranh tết. Vô khối tích truyện cổ, lịch sử, đời thường, tín ngưỡng, phong tục… Tranh Đông Hồ thì nhiều màu nâu, lục, vàng, đỏ rất ư mộc mạc, chân quê, còn tranh Hàng Trống tươi màu cánh sen, lam chàm, hoàng yến, bạch yến với đường nét thanh tú ra điều thành thị. Lại thêm loại tranh vẽ màu phẩm trên giấy bìa, quen gọi tranh Bờ Hồ bay bướm, khéo vẽ là tranh ngũ quả, cuốn thư, tứ bình… Người Việt ta xưa thú chơi cũng tới bến, ăn tết chả khi nào thiếu trò vui: múa lân, múa rồng, đánh đu, chèo thuyền, chọi gà, cờ người, pháo đất, bài bạc… Chơi để mà thư giãn lấy may, hạnh phúc, nên trò nào cũng rôm rả, náo nức ngày xuân. Có khi kỳ công dựng rạp, mời bầu đoàn gánh hát về diễn tích mừng xuân. Trò chơi tết cũng quen thuộc như thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ, cây nêu, tràng pháo… Người bình dân ăn tết đã vậy, nói chi đến bậc vua chúa ngày xưa, những kẻ uy danh bốn biển, tiền của trùm thiên hạ. Mỗi dịp Nguyên Đán, quang cảnh triều hạ càng làm nổi bật vai trò tôn quý, uy nghiêm của hoàng gia. Chả thế mà lễ cử hành đón năm mới trong cung đình được tôn lên hàng “Đại triều”.

    Theo KTS ĐOÀN KHẮC TÌNH / TẠP CHÍ KIẾN TRÚC

    Trích từ: redsvn.net
     
    Đam Mê, hondat, thanthien and 4 others like this.

Chia sẻ trang này