NHỮNG HOA VĂN TRANG TRÍ TRÊN GỐM LÁI THIÊU

Thảo luận trong 'Đồ xưa cổ' bắt đầu bởi caycanhthiennhien, 19/12/17.

  1. caycanhthiennhien

    caycanhthiennhien Administrator Thành viên BQT

    NHỮNG ĐỀ TÀI HOA VĂN
    THƯỜNG ĐƯỢC TRANG TRÍ TRÊN GỐM LÁI THIÊU VÀ Ý NGHĨA CỦA CHÚNG
    • KIM LÊ
    Nhất dáng, nhì men, tam trí (hình dáng, chất men và trang trí) là 3 yếu tố tạo nên vẻ đẹp cơ bản hoàn hảo của sản phẩm gốm. Những biến đổi và nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng theo thời đại là nguồn động lực trực tiếp thúc đẩy sự tranh cãi và đổi mới hình dáng, chủng loại sản phẩm cũng như màu sắc, nội dung và kiểu thức đồ án họa tiết trang trí của Gốm Lái Thiêu. Sau đây là những ý nghĩa của các đồ án hoa văn trên đồ gốm Lái Thiêu mà ta thường gặp.

    Bát bửu: Tám vật được coi là quý giá đó là Bát bửu, Bát bửu có nhiều bộ: 1. Tám trì vật/Bửu bối của Bát Tiên, thường được thể hiện thành đồ án cặp đôi, tức 4 nhóm: Quạt vả - Kiếm, sen - Gỗ đào, ống sáo - Bầu trói/Hồ lô, cặp sênh (nhạc khí có hai dăm); 2. Bát bửu Phật giáo (gốc là trì vật của Thần Bảo tồn Vishnu) thường được chạm khắc dưới bàn chân Phật: 1. Bùa Ashtamagala; 2. Hoa sen; 3. Bình đựng nước; 4. Phất trần; 5. Lọng tán; 6. Cá; 7. Ốc; 8. Cờ. Tám thứ Bửu bối này chuyển qua Trung Quốc được gọi là Bát bửu: 1. Biến thể của Ashtamangala thành dây liên Bát kiết gọi là bàn trưởng (dây thắt nút vô tận), biểu thị cho sự may mắn, trường thọ, sự phong phú vô tận; 2. Xa luân; 3. Loa (ốc); 4. Liên hoa (bông sen); 5. Bảo cái (Lọng quý); 6. Thiên cái (tàng); 7. Bảo bình (bình); 8. Song ngư (hai con cá). Các món đồ quý thật ra có đến 14 món: 1. Ngọc như ý; 2. Khánh đá; 3. Tường vân (mây lành); 4. Phương viên (hình thoi/ miếng chả); 5. Sừng tê; 6. Lư; 7. Sách; 8. Bức tranh; 9. Lá ngải băng; 10. Lá chuối; 11. Cỏ thi; 12. Đinh; 13. Nấm linh chi; 14. Vàng xuồng.

    Bát tiên: Tám vị Tiên, thường gặp được hiểu là 8 vị chủ quản về phía đông (dựa theo Tiên thoạiĐông du Bát Tiên). Mỗi vị cũng được tôn làm thần Bảo hộ các ngành nghề và mỗi vị đều sở đắc một thứ bửu bối riêng: 1. Lý Thiết Quài (người ăn mày thọt chân, chống gậy sắt, mang hoặc cầm cái hồ lô, ở đó chứa tinh anh của ông); 2. Hàn Tương Từ (Tiên Đồng thổi sáo, được tôn làm thần của các nhạc công); 3. Hán Chung Ly (cầm quạt lá vả, đôi khi thêm quả đào tiên); 4. Lam Thái Hòa (Xách giỏ hoa, được tôn làm thần của những người bán hoa); Lữ Đồng Tân (tay cầm phất trần đuợc tôn làm thần y dược); 6. Trương Qua Lão (cầm một thứ nhạc khí); 7. Tào Quốc Cựu (tay cần sênh, được tôn làm thần của giới nghệ sĩ); 8. Hà Tiên cô (cầm cái vợt cán dài hay một ngó sen, được tôn làm thần bảo hộ gia đình).

    Bát Tiên biểu thị cho sự trường sinh bất tử. Do đó có đồ án Bát Tiên hiến thọ (8 vị tiên ban sự sống lâu. Mỗi vị tay cầm một loại linh dược/thảo dược) Phổ biến hơn là đồ án Bát Tiên quá Hải (8 vị Tiên qua biển) vẽ tiên thoại kể về chuyện đông du của 8 vị tiên, trừ các loại ma quái ở biển Đông. Trên đồ gốm Lái Thiêu có trường hợp vẽ đủ Bát Tiên, có trường hợp vẽ nhị Tiên cũng có trường hợp vẽ một trong Bát Tiên...

    Bướm: Chữ Hán gọi là Hồ Điệp. “Điệp” đồng âm với “Điệt” (người thọ trên 80 tuổi). Do đó, theo truyền thuyết Bướm đuợc thể hiện trong các đồ án chúc thọ. Ngoài ra, dựa vào chuyện Trang Tử nằm mơ hóa Bướm hay lượn vui giữa muôn hoa. Do đó, Buớm và Hoa biểu hiện cho niềm vui thú và ở một khía cạnh khác Buớm cũng biểu thị cho hạnh phúc lứa đôi. Có lẽ các đồ án trang trí Bướm - hoa trên đồ gốm Lái Thiêu biểu ý sự vui thú hay hạnh phúc lứa đôi/vợ chồng.

    Cá: Chữ Hán là “Ngư”, đồng âm với “dư” là dư dật, sung túc. Do đó, cá biểu thị cho sự sinh con, đẻ cháu nối truyền dòng giống. Đồ án trang trí trên gốm Lái Thiêu là Tảo - Ngư (rong - cá) cũng dựa vào tính đồng âm để biểu thị lời cầu chúc sớm được sung túc/tảo dư.

    Cá chép: Chữ Hán đọc là “Lý Ngư”, đồng âm với lợi dư. Do đó cá chép là loại đồ án trang trí biểu đạt ý chúc tụng sung túc. Mặt khác, tục truyền cứ vào tháng 3 âm lịch, cá chép thường bơi ngược dòng Hoàng Hà tranh tài vượt dòng Long Môn để hóa thành Rồng. Cá chép vượt Long Môn được biểu thị việc thi cử đỗ đạt của kẻ sĩ. Long Môn tam cấp biểu thị cho 3 cấp tuyển trạch: Thi hương, Thi hội, Thi đình. Các đồ án thể hiện truyền thuyết này thường vẽ con cá chép đang vọt lên trên đỉnh song nước/hồi ba chập chùng và ở trên không là những con rồng đang lượn trên mây ngó xuống. Do đó, đồ án này còn được gọi là “Long ngư hý thủy” hay “Khiêu Long môn”.

    Cá vàng: Là loài cá kiểng phổ biến, người ta nuôi cá vàng là để ngắm nhìn chúng vẩn vơ bơi lội một cách thanh nhàn. Trên đồ gốm Lái Thiêu, cá vàng được vẽ với những cọng chum/chùm rong để cầu chúc sớm được hạnh phúc (tảo dư). Có đồ án vẽ được một con, lại có đồ án vẽ 2 hoặc 4 con cá vàng. Ở đây, cá vàng đọc theo âm Hán tự là “kim ngư” đồng âm “kim dư” (có vàng là dư dả). Do đó, đồ án cá vàng thường được tặng vào dịp đám cưới. Lại có đồ án vẽ kim ngư với hoa sen để biểu thị lời chúc “Kim ngọc đồng hòa” (Kim ngư: Kim ngọc; Hà (sen): Hòa). Đồ án vẽ hai con cá vàng biểu trưng cho sự sinh sản, phát đạt, phồn thịnh.

    Chim: Là đề tài phổ biến trong trang trí mỹ thuật gốm và nhiều loài chim hàm chứa ý nghĩa biểu trưng: Hạc, đại bàng, chim thước, én, trĩ, cút, sẻ. Loài chim “Bạc đầu” biểu trưng cho người cao tuổi và cặp chim loại này thường thích hợp với loại hoa mẫu đơn: biểu đạt sự mong cầu/chúc tụng hậu vận được giàu sang.
     
    trontn, nguyenvanteo, hondat and 5 others like this.
  2. caycanhthiennhien

    caycanhthiennhien Administrator Thành viên BQT

    Cổ đồ: Các đồ vật cổ xưa được coi là quý báu. Cổ đồ bát bửu: 1. Tiền đồng; 2. Ngọc châu (trân châu); 3. Miếng chả (hình thoi, gọi là phương viên); 4. Sách; 5. Khánh (nhạc cụ); 6. Bức họa (thường thể hiện dưới dạng tranh cuộn); 7. Sừng tê; 8. Lá ngải băng. 8 vật này biểu thị cho sự phú quý và tao nhã. Cúng thường thể hiện cặp đôi. Mặt khác cổ đồ (còn được gọi là bách cổ) là các nhóm thuộc bát bửu hay tứ bửu là những vật biểu trưng cho mỹ thuật âm nhạc (nhạc cụ), thú vui giải trí (bàn cờ), thư pháp/thư họa (tranh cuộn, chữ viết) hoặc bức tranh. Các loại vật này được thể hiện ước lệ tích hợp với bồn chậu (đồ tự khí), hoa, thú vật... Có những mô típ trang trí nhỏ bé không cho phép chúng ta nhận dạng để xếp loại chúng vào danh mục phân loại này.

    Công: Biểu thị vẻ đẹp và sự sang trọng cao quý. Mặt khác, long đuôi công có hình dáng mặt trời nên cũng được coi là có khả năng trừ ma quỷ, điều xấu.

    Cúc: Loài hoa biểu trưng cho mùa thu (trong đồ án tứ thời Mai - Lan - Cúc - Trúc) và biểu thị cho khí tiết thanh tao của bậc cao sĩ, lấy sự an nhàn, ẩn dật làm vui và xa lánh danh lợi. Ở trong các đồ án khánh chúc, cúc đồng âm với cát (điềm lành) nên được biểu ý cát tường. Ở đồ gốm Lái Thiêu, cúc thường thích hợp với gà là để biểu thị sự cát tường.

    Dây lá: Đồ án trang trí một dãy dây lá/dây leo, biểu trưng cho sự trường tồn, sự nối truyền của các thế hệ không dứt.

    Dơi: Chữ Hán gọi là “biên bức” có âm đọc đồng âm với phúc/phước. Do đó đồ hình Dơi biểu thị cho phúc/phước. Đồ án 5 con dơi biểu thị cho ngũ phúc (Phước, lộc, thọ, khang, ninh).

    Đá: Giống như núi, đá biểu thị cho sự trường tồn, trường thọ. Đồ án vẽ hòn núi bay, quả núi nhô lên trên mặt biển là biểu thị câu chúc thọ “Thọ tỷ Nam sơn, Phước như Đông hải”. Đá tích hợp với hoa sen biểu thị chí lớn của người quân tử.

    Đào: Đào (cây, hoa, quả) có nhiều ý nghĩa biểu trưng. Gỗ đào treo trước cửa có công năng trừ tà, trái đào biểu trưng cho trường thọ (theo thần thoại: Vườn đào tiên của Tây Vương Mẫu, 1.000 năm mới chín trái một lần) và hoa đào biểu thị cho vẻ đẹp của người thiếu nữ.

    Em bé đọc sách: Đồ án thấy trên cái gạc - bù - lệch. Cậu bé ngồi chăm chú đọc sách bên ven đường, sau lưng là dãy tường rào hoặc sau lưng là cây chuối... Đồ án em bé đọc sách này có người cho rằng đó là Chu Mãi Thần, người đời nhà Hán rất chăm học, vừa đi bán củi, vừa đem sách theo học. Năm 50 tuổi được tiến cử lên vua Võ Đế, được phong làm quan lớn. Lại nữa, có người cho rằng đó là Trác Dẫn (nhà nghèo và rất ham học. Ông bắt đom đóm, lấy ánh sáng thay đèn để đọc sách, học bài). Nói chung dù tra cứu như thế nào thì đồ án này cũng đều có ý nghĩa “khuyến học”.

    Hạc: Là loài chim dung để biểu thị sự trường thọ. Đồ án phổ biến là Tùng - Hạc trường xuân (Hạc và cây tùng) cũng biểu thị cho sự sống lâu khỏe mạnh.

    Hoa: Hoa của bốn mùa là mộc lan hay viên vĩ (xuân), Mẫu đơn hay Sen (hạ), Cúc (thu) và Mai hay Trúc (đông). Có một danh mục hoa tiêu biểu cho tháng, nhưng danh mục này tùy từng địa phương có khác nhau, song cũng có một số yếu tố giống nhau trong các danh mục đó: Hoa mai (tháng 2 âm lịch), Hoa đào (tháng 3), hoa sen (tháng 6), hoa quế (tháng 8) và hoa cúc (tháng 9). Do đó, trong các đồ án trang trí dùng hoa biểu trưng cho tiết thứ, cho bốn mùa có phần khó xác định. Mặt khác, hoa tích hợp với các loài chim để tạo thành các đồ án “Hoa Điểu” để biểu thị những ý nghĩa riêng. Bốn “bạn hữu” của hoa đều thấy trong các đồ án trang trí gốm Lái Thiêu là chim sẻ, chim yến, ong và bướm. Trong mỹ thuật, cây hoa và chim, bướm, thảo trùng là cặp đôi tĩnh - động, hô ứng cho nhau. Đó là “Luật âm - dương” của cái đẹp.

    Hoa hồng: Đồ án tứ thời sử dụng bốn loại hoa để biểu thị cho bốn mùa. Ngược lại hoa hồng biểu thị cho cả bốn mùa, bởi hoa hồng nở quanh năm.

    Hoàng Oanh (chim Vàng Anh): Nhờ có tiếng hót hay nên Hoàng Oanh biểu thị niềm vui và âm nhạc. Hoàng Oanh thường tích hợp với hoa/cành/trái đào.

    Hồ lô (Bầu trói): Bình chứa có phép tiên của đạo sĩ. Nó đựng chứa linh đan hay pháp thuật vô cùng linh nghiệm. Hồ lô là một mô hình của Trời và Đất, thể hiện một thể thống nhất. Khi mở có một luồng khí bay ra để bắt ma quỷ. Bầu trói/hồ lô biểu thị cho Lý Thiết Quài, một trong Bát Tiên. Ngoài ra, đồ án vẽ một dây bầu dài có trái, lá, tua cuốn... Biểu thị cho lời chúc “Vạn đại tử tôn” (con cháu truyền nối vạn đời).

    Hổ (Cọp): Là chúa của các loài dã thú. Nó là sinh vật dương hàm chứa nguyên lý nam tính. Hổ được coi là con vật dũng mãnh có khả năng khu trừ ma quỷ.

    Hổ phù (mặt bợm, mặt hợm): Là đồ án trang trí trên khoen cửa, quai xách của các loại bình, lọ, đôn, chậu, rương. Về nguồn gốc có nhiều ý kiến khác nhau: 1. Mặt thao thiếc đắp nổi; 2. Mặt con quì (thú một chân, chuyên bắt ma quỷ ăn thịt)... Nói chung đồ án này có công năng trừ tà, chống lại các điều xấu, các thế lực hắc ám...
     
    trontn, nguyenvanteo, hondat and 5 others like this.
  3. caycanhthiennhien

    caycanhthiennhien Administrator Thành viên BQT

    Lan: Biểu trưng chính của lan chủ vào mùi hương và hướng về nữ giới. Nói chung, lan biểu thị cho tình yêu và vẻ đẹp. Cụm từ “Kim Lan chi” dung chỉ tình bạn thân thiết giữa hai người nam hay người nữ, không phân biệt giới tính. Câu nói: “Sống là kim lan đồng cành, chết đồng mộ” để chỉ tình yêu chung thủy.

    Lân: Một trong tứ linh. Theo tín niệm cổ, Lân xuất hiện là điềm báo có thánh nhân xuất hiện, cuộc sống được thái bình. Do đó, lân biểu trưng cho điềm lành. Trong tâm thức cổ đại, Phụng - hoàng, kỳ - lân, Uyên ương là cặp đôi lưỡng thể này có ý nghĩa vũ trụ. Về sau, các cặp đôi lưỡng thể phân biệt ra âm - dương, đực cái - Trong gốm Lái Thiêu, cặp luôn luôn là con đực (kỳ), con cái (lân) biểu thị cho âm dương hòa hợp, tức điều cát tường.

    Lựu: Còn gọi là “thạch lựu” là trái có nhiều hạt (tử). Do đó, lựu biểu thị lời chúc phúc: Có nhiều con cái. Đồ án trang trí thường thể hiện một hoặc hai ba quả lựu trong đó có một quả đã tách một miếng vỏ để lộ ra những hạt lựu, biểu thị lời chúc trong lễ cưới “Lựu khai bách tửu” (lựu nở trăm con”. Lại có đồ án tích hợp lựu với phật thủ, Đào biểu thị lời chúc tam đa: Đa nam, đa phú, đa thọ.

    Mai: Mai biểu trưng cho cốt cách người phụ nữ đẹp, mùa xuân. Trong gốm Lái Thiêu, mai được tích hợp với trăng và đồ án mai - Nguyệt (hồng mai hay bạch mai), thuộc nhóm đề tài hoa hảo nguyệt viên (Hoa đẹp trăng tròn) biểu thị cho sự tròn đầy và tương hợp, một hảo cảnh của lứa đôi hay mở rộng ra là cuộc sống thanh bình.

    Mẫu đơn: Là chúa của các loài hoa, biểu thị cho phú quý (giàu có và danh giá). Mẫu đơn có nhiều màu nhưng màu đỏ là được coi trọng và có giá trị nhất. Hoa mẫu đơn trắng biểu thị cho các thanh, thiếu nữ tài sắc vẹn toàn. Trong dân gian “mẫu đơn chỉ có cô gái xinh đẹp. Tục truyền, hoa mẫu đơn nở hương thơm tỏa xa nghìn dặm quyến rũ các loài hoa khác và bướm. Ở đây, bướm biểu thị cho các chàng trai trẻ và hoa mẫu đơn biểu thị cho các cô gái. Đồ án tứ thời gộp các loài hoa để biểu thị bốn mùa: Mẫu đơn (xuân), sen (hạ), cúc (thu), mai (đông). Ngoài ra, mẫu đơn tích hợp với phù dung chỉ sự giàu có và tiếng tăm; tích hợp với đào biểu thị sự trường thọ, giàu có và danh vọng; tích hợp với tùng và đá chỉ sự giàu có và trường thọ.

    Mây: Biểu trưng cho vận tốt và phúc lành, đặt biệt là mây nhiều màu; mây ngũ sắc là biểu thị phúc lành năm lần hơn. Tường vân (mây lành), biểu thị sự thái bình. Trong trang trí hình vẽ mây cách điệu (mây cuộn, mây cụm, mây hình đầu song...) hay tả thực. Mây phủ trên đỉnh núi/sườn núi biểu thị cảnh núi chập chùng xa thẳm. Đó là chi tiết điểm xuyến cho cảnh sơn thủy có tình quân bình giữa tĩnh và động.

    Ngựa: Trong Kinh Dịch thì rồng là dương, ngựa là âm, đó là hai con vật được chọn làm đại diện cho hai giới tính; nhưng về sau ngựa biểu thị cho nguyên lý dương và bò biểu thị cho nguyên lý âm. Sau nữa, ngựa hồng biểu thị cho tuấn mã gốc từ ngựa Xích Thố, con ngựa chiến của Quang Vũ. Ngược lại, ngựa trắng xuất hiện nhiều trong kinh văn nhà phật, biểu trưng cho sự thanh tịnh / thanh khiết và trung thành. Trong đồ gốm Lái Thiêu thấy có đồ án Liễu - Mã (Ngựa và cây Liễu). Như chúng ta biết, Liễu biểu trưng cho mùa xuân, mùa hưng vượng của vạn vật và cũng do vẻ đẹp, sự mềm mại, thướt tha của nó nên liễu biểu thị vẻ đẹp duyên dáng của nữ giới.

    Ong: Biểu trưng cho sự cần cù và cần kiệm. Đồ án thấy trên gốm Lái Thiêu là ong và hoa biểu thị cho sự tương hợp.

    Phật thủ: Loại trái có hình dáng như bàn tay, được gọi là bàn tay Phật. Phật có âm là “pu”, đồng âm vơi “phú” (giàu có). Nên quả này biểu thị cho sự giàu có.

    Phật thủ - Đào - Lựu: Biểu thị cho tam đa: Đa phú (trái phật thủ), đa thị (trái đào) và đa nam (trái lựu) có nhiều hạt (tử). Nên quả này biểu thị cho việc có nhiều con cháu.

    Phù dung (hoa): Biểu trưng cho sự giàu có (phù đồng “âm phú”) và danh giá (dung: đồng âm “danh”) hay nói rộng hơn là danh giá và rạng rỡ. Hương thơm của hoa phù dung thường sánh với vẻ duyên dáng của các cô thiếu nữ.
     
    trontn, nguyenvanteo, hondat and 5 others like this.
  4. caycanhthiennhien

    caycanhthiennhien Administrator Thành viên BQT

    Phụng hoàng: Là một trong tứ linh (Long, Lân, Quy, Phụng). Theo tín niệm truyền thống, phụng là giống chim đem lại điềm lành, khi phụng xuất hiện thì có Thánh nhân ra đời, báo hiệu điềm thái bình thịnh trị. Về xa xưa hơn, phụng vốn là thần gió. Đồ án thường thấy là phụng vũ (chim phụng múa) hay ngô đồng - phụng (chim phụng đậu trên cây ngô đồng). Mặt khác, quan niệm cổ xưa cho rằng, trong 360 loài chim, phụng hoàng là loài chim lớn hơn cả, nên được coi là chúa của loài chim. Trong tâm thức cổ đại, phụng - hoàng, kỳ - lân, Uyên ương là cặp đôi lưỡng thể biểu thị cho cái khởi nguyên, chưa phân khai âm dương. Do đó, các cặp đôi lưỡng thể này có ý nghĩa vũ trụ, nên có tính thiêng tối thượng. Về sau phụng được coi là con mái, hoàng là con trống. Theo đó, phụng biểu thị hoàng hậu, các bậc nữ nhi tôn quý và sự phú quý nói chung. Về hình tướng, sách cổ chép rằng: Phụng là sự kết hợp giữa Thiên Nga và Lân, ức chim sẻ, mỏ gà, cổ rắn và đuôi cá (12 sợi lông), trán sếu, tiếng kêu như Thiên Nga, có văn vẻ như Rồng và lưng khum như rùa. Lông phụng năm màu biểu thị cho ngũ thường... Trong các đồ án trang trí trên đồ gốm Lái Thiêu thấy có đồ án phi phụng (phụng bay, biểu thị điềm lành). Mẫu đơn - phụng, biểu thị sự tương hợp lứa đôi. Theo đạo giáo, chim phụng được coi là đơn điểu biểu trưng cho ánh sáng và hơi ấm mùa hạ, mùa gặt hái hàng năm.

    Rồng: Đứng đầu trong tứ linh (Long, Lân, Quy, Phụng). Đây là con vật huyền thoại được coi là cách điệu từ Rắn và từ Cá Sấu. Cũng có ý kiến cho rằng, Rồng được sáng tạo trên cơ sở tích hợp 36 bộ phận tiêu biểu của 36 con vật vốn là vật tổ/tổ tiên của các tộc người cổ sơ ở Trung Quốc. Về hình tướng, theo quy phạm cổ điển thì Rồng có đầu Lạc Đà, sừng Nai, mắt Thỏ, tai Bò, cổ Rắn, bụng Ếch, vảy Cá Chép, móng Diều Hâu và bàn tay/chân Hổ. Vảy lưng có 81 cái, Vảy ở hầu như hướng lên đầu và vảy ở đầu dựng lên như một dãy núi. Mỗi mép đều có râu mép và râu cằm dài đến ức, nơi đó có một viên minh châu sáng rực. Rồng có loại có sừng, có loại không sừng. Rồng không có khả năng thính giác, tức không nghe được. Nó thở thành mây đôi khi đổi thành mưa hoặc lửa. Quan niệm phổ biến coi Rồng là vật thiêng biểu trưng cho mạnh mẽ, nam tính, năng lực phát triển và đồng nhất với nguyên lý dương: Động, phát triển, thịnh vượng. Tính theo ngũ phương, Rồng tọa dị ở hướng Đông - là hướng của mặt trời mọc, sự bắt đầu (sinh) và mưa. Ở đây rồng được coi là Thanh Long đối với Bạch Hổ tọa vị ở hướng tây.

    Trong gốm Lái Thiêu thường thấy rồng trong các đồ án lưỡng long tranh châu, Lưỡng Long triều dương, Long - vân, Long - Phụng, Long ngư hý thủy (xem cá chép/ -lý ngư), Rồng đuổi nhau/ -Long truy, Rồng cuộn...

    Châu (ở đồ án Lưỡng long tranh châu được coi như mặt trời); tức tranh châu hay triều dương đều có ý nghĩa như nhau: Biểu thị cho “tam dương” (2 rồng và mặt trời) hàm ý chúc tam dương khai thái, tức gặp được vận hội tốt lành. Theo quan niệm của dịch lý thì tháng cuối trong 12 con giáp là tháng Hợi (10 âm lịch) là tháng thuần âm (sáu hào âm), tháng Tý (tháng 11 âm lịch) dương bắt đầu sinh (nhất dương sinh), tháng sửu (tháng 12 âm lịch) hai dương sinh, tháng Giêng (tức tháng Dần), ba dương sinh tạo quẻ Địa Thiên Thái, nên đầu năm gọi là tiết “Tam dương khai thái”. Cũng có ý kiến cho rằng ở đồ án Lưỡng long tranh châu, viên ngọc châu biểu thị cho điều tốt lành, may mắn hay sự thành công mỹ mãn.

    Đồ án Long - Phụng biểu thị cho sự điều hòa / hòa hợp âm dương, được định danh là “Long phụng trình tường” (rồng và phụng bày ra điềm lành), được hiểu là lời chúc mừng hôn nhân hay nói rộng ra là mưa thuận gió hòa, thái bình thịnh trị.

    Đồ án Long - Vân (rồng bay lượn ẩn hiện trong mây) biểu thị câu chúc “Long vân khánh hội” (rồng gặp được mây), tức cầu chúc được vận hội may mắn.

    Rùa: Là một trong tứ linh. Đây là linh vật ít thấy trong trang trí đồ gốm Lái Thiêu. Rùa chỉ thấy xuất hiện trong đồ án tứ linh bằng một tượng gắn làm quai cái lư hương gốm Quảng men thanh lục độc sắc ở chùa Ông Lái Thiêu. Rùa là con vật sống lâu nên thường dùng để biểu thị lời chúc trường thọ. Riêng việc rùa coi là linh vật có lẽ bắt nguồn từ truyền thuyết: Vua Văn Vương, hoàng đế sáng lập nhà Chu (Trung Quốc) bắt gặp một con rùa ở sông Lạc. Dựa theo những vạch khắc trên vai con rùa đó, Văn Vương lập ra bát quái.

    Sách: Sách (thư) là một trong tám biểu trưng của việc học hành. Cho đến nay, các bậc cha mẹ vẫn bày các vật gồm tiền bạc / vàng, con rùa, trái chuối và sách để cho đứa bé chọn lựa vào dịp thôi nôi. Nếu bé chọn sách thì coi đó là sự báo hiệu rằng trẻ rất ham học. Trên đồ gốm Lái Thiêu, sách được tích hợp trong đồ án cổ đồ: Sách, lọ hoa, san hô... hoa ở đây theo truyền thống là hạnh nhân.

    Sen: Loài hoa này biểu trưng nhiều ý nghĩa: 1. Sự trong sạch tinh khiết, không bị tạp nhiễm; 2. Nhân quả luân hồi: quá khứ (sen nở), hiện tại (đài sen), tương lai (hạt sen); 3. Hôn nhân hảo hợp 9 hai hoa cùng một bụi); 4. Sự nối truyền không dứt (hạt sen gọi là “tử”, đồng âm với “tử” là con cái); 5. Thịnh vượng (lá hoa phủ kín mặt nước); 6. Tiềm năng sinh lực dồi dào (xuyên qua bùn đất vượt lên mặt nước).

    Sen . Vịt: Chữ Hán là liên . áp, đồng âm với “Liên . giáp”, biểu thị lời chúc việc học hành thi cử đỗ đạt.
     
    trontn, nguyenvanteo, hondat and 5 others like this.
  5. caycanhthiennhien

    caycanhthiennhien Administrator Thành viên BQT

    Tam đa: Tích cổ: Vua Nghiêu đi tuần thú đất Hoa, quan Phong Nhân đất ấy chúc mừng vua được “đa phú, đa thọ, đa nam” (giàu có, sống lâu, sinh được nhiều con trai). Vua Nghiêu từ chối rằng: ”Đa nam đa ưu, đa thọ đa nhục, đa phú đa oán” (lắm con nhiều lo, sống lâu nhiều nhục, giàu lắm oán nhiều). Đó là triết lý thời Nghiêu Thuấn, còn đời sau, tam đa vẫn là mong cầu của thế nhân. Trong mỹ thuật, tam đa đồ được thể hiện bằng hình vẽ trái Phật thủ (phú), trái đào (thọ) và trái lựu (đông con).

    Thất hiền: Bảy người hiền thời nhà Tấn ở Trúc Lâm: Kê Khang, Trần Hựu, Nguyễn Tịch, Sơn Đào, Hướng Tú, Lưu Linh và Vương Nhung. (Có tài liệu khác: Kê Khang, Nguyễn Tịch, Sơn Đào, Hướng Tú, Lưu Linh, Nguyễn Hàm, Vương Mậu).

    Thủy tiên: Loài hoa nở vào dịp đầu năm, biểu trưng cho sự may mắn trong năm mới. Trên đồ gốm Lái Thiêu, bồn hoa Thủy tiên thường tích hợp với cổ đồ. Đồ án gồm hoa thủy tiên, trúc và hòn đá biểu thị lời chúc: Tiên chúc trường thọ. Mặt khác, cũng như hoa lan, hoa thủy tiên biểu trưng cho đôi lứa vợ chồng.

    Trầu cau: Đồ án thấy rất hiếm, chỉ thấy trang trí bằng đồ án đắp nổi trên cái chóe rượu dùng trong hôn lễ này. Lưu ý tục ăn trầu phổ biến vùng Đông Nam Á lẫn Hoa Nam, đặc biệt đây là lễ vật cưới phải có của người Quảng Đông.

    Trĩ: Loài chim có đuôi dài, có vẻ đẹp trang nhã, thường thấy phổ biến trong mỹ thuật truyền thống. Tục truyền, trĩ biến thành con sò hay con rắn vào tháng đầu tiên của mùa đông và dựa vào thời điểm trĩ gáy, người ta đoán trước về lũ lụt, sấm sét và sao chổi. Trĩ là một trong 12 huy hiệu của bậc đế vương, biểu thị cho hoàng hậu. Trong xã hội, trĩ tượng trưng cho chức quan văn.

    Trúc: Trúc có đốt thẳng, rỗng ruột, mùa đông lạnh giá không rụng lá biểu trưng cho người quân tử. Trúc thường tích hợp với mai, sen và cúc thành bộ tứ biểu thị cho tứ thời (bốn mùa). Ngoài ra còn thấy các đồ án trúc - tước (trúc và chim sẻ) biểu ý chúc (trúc) được sự vui mừng (chim sẻ: hỉ tước).

    Tuế hàn tam hữu: Đồ án vẽ khắc 3 loại cây gọi là “tam hữu”: tùng, trúc và mai. Đây là 3 loại cây chịu đựng được giá rét của mùa đông (mùa lạnh hàng năm: “tuế hàn”). Đồ án này biểu ý tôn vinh sự cứng cỏi, nỗ lực vượt qua được thử thách khắc nghiệt. Đồ án này lúc thể hiện cả 3 loại cây, lúc chỉ có tùng và mai.

    Vạn: Chữ vạn là biểu trưng cổ xưa, biểu thị sự bất tử, sự cát tường. Đồ án trang trí thường thấy là chữ vạn đơn hoặc dính liền nhau ở bốn phía tạo thành một mạng liên kết nhiều chữ vạn để biểu ý chúc tụng được nhiều may mắn.

    Ve sầu: Từ xưa, người ta đã cho rằng con ve già lột xác thành con trùng sống dưới đất và lại tái sinh thành ve. Chính vì vậy, ve được biểu trưng cho sự bất tử. Người Trung Quốc dùng con ve chạm trổ bằng ngọc thạch bỏ vào miệng người chết để cầu tái sinh.

    Việc trang trí đồ gốm luôn yêu cầu về nguyên lý là: Đồ án - Hoa văn trong trang trí phải phù hợp với hình dáng sản phẩm vì hình dáng là cái nền cho hoa văn - Đồ án trang trí và trang trí trên đồ gốm là trang trí trên vật phẩm hình khối, không phải trên mặt phẳng như là tranh vẽ. Cách sắp xếp bố cục các mảng trang trí trên từng vật phẩm gốm Lái Thiêu thông thường là được ước lượng bằng mắt. Người vẽ gốm theo kinh nghiệm thấy thuận mắt là được. Cách ước lượng này đã dẫn đến hiệu quả là tạo được tính tự nhiên của hình họa, cảnh trí. Ngược lại, đối với các đồ án thuộc dạng hình học hoặc dạng tự chữ Hán lại phải được cân nhắc kỹ để đạt được sự trang nghiêm thông qua sự đăng đối về sau, do ảnh huởng của quy tắc đối xứng, gương được lưu ý nhiều hơn.

    Nhìn chung, các đồ án hoa văn trong trang trí trên gốm Lái Thiêu là những đồ án mỹ thuật cổ điển, biểu ý khánh chúc hoặc các đề tài bắt nguồn điển tích, nhân vật có nguồn gốc bắt nguồn từ lịch sử, văn hóa Trung Quốc và phổ phiến hơn là phong cảnh sơn thủy.

    TÀI LIỆU THAM KHẢO:

    1. Gốm sứ Sông Bé, Nxb tổng hợp Sông Bé - 1990.

    2. Gốm Lái Thiêu, Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM - 2009.

    3. Tư liệu sưu tầm thực tế điền dã

    KIM LÊ

    Nguồn: http://www.sugia.vn
     
    trontn, nguyenvanteo, hondat and 5 others like this.

Chia sẻ trang này