Tâm thiền với nguồn cảm hứng nghệ thuật

Thảo luận trong 'Chuyên Đề Nghệ Thuật - Mỹ Thuật' bắt đầu bởi caycanhthiennhien, 6/12/18.

  1. caycanhthiennhien

    caycanhthiennhien Administrator Thành viên BQT

    Tâm thiền với nguồn cảm hứng nghệ thuật
    Nghệ thuật Phật giáo cũng như triết học Phật giáo đòi giải phóng cho con người khỏi vòng trầm luân bể khổ, từ cõi mê sang bến giác của Phật tính Niết bàn. Bởi vậy, không bao giờ nghệ thuật Phật giáo nhằm vào hình tướng khách quan bên ngoài…

    [​IMG]

    Thiền, tiếng Phạn là Jhàna, Tàu âm là Thiền-na, có nghĩa là làm cho tâm được yên lặng, tĩnh định. Thiền-na còn có nghĩa là đốt cháy phiền não hay thiêu hủy phiền não.

    Như thế, Thiền là pháp môn ổn định tâm lý. Muốn vậy, sự gom tâm, tập trung tư tưởng để quy tâm về một mối, để đạt được nhất tâm là việc cần thiết, tất yếu. Tu Thiền, như thế, có thể đạt được những thành quả tốt đẹp như lục căn (tai, mắt, mũi, lưỡi, thân, ý) được tự tại, phiền não lắng dịu, căn lành tăng trưởng, từ bi rộng mở. Và, cũng chính nhờ Thiền (định) mà Tuệ giác được phát sáng, thấy rõ sinh tử và bản lai của mọi sự, mọi vật. Nói cách khác, Thiền là môn học về Tâm. Người đạt đạo là người đã đạt cái Tâm thiền. Và, tâm thiền đã tạo nguồn cảm hứng thâm sâu trong nghệ thuật.
     
  2. caycanhthiennhien

    caycanhthiennhien Administrator Thành viên BQT

    Đức Phật đã dạy: Này các đệ tử, tất cả chúng sinh đều có nghiệp quả, chúng hưởng thụ nghiệp quả, chúng do nghiệp quả, chúng lệ thuộc vào nghiệp quả. Nghiệp quả phân biệt chúng thành hạng thấp hạng cao, người quý kẻ tiện.

    Như vậy phải hiểu sự khác nhau của Tâm thức ở phương diện có khả năng tạo tác ra sự khác biệt về hiệu quả. Thực thế, Tâm thức đã tạo tác ra tất cả sự khác biệt ấy.

    Nhưng vì Tâm thức không thể tạo tác tất cả sự khác biệt khi nào nó không có cơ hội để tạo tác hay là chừng nào nó thiếu điều kiện cần thiết, cho nên Tâm thức còn phong phú hơn các yếu tố khác nhau của một sinh linh đã được Tâm thức tạo ra.

    Bởi vậy mà Thế Tôn tuyên bố:

    “Này Tỳ khưu, Ta không thấy một loài nào thiên hình vạn trạng như giới động vật, vậy mà Tâm thức còn thiên hình vạn trạng phong phú hơn giới động vật nữa!”(Trích dẫn ở Majjhima-Nikaya III, 203)

    Trên đây Buddhaghosa (Phật Minh) luận về ý nghĩa của Tâm thức (Citta), nhận định tác dụng biện biệt của nó, chứng tỏ cái ấy là tự ngã hay tự tâm. Cái gọi là ngã ấy là ảo tưởng, ảo giác – vì nó chỉ là dòng trôi chảy rất nhanh, miên tục, liên tục của ngũ uẩn: Sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Ở đây thọ là cảm giác, tưởng là tri giác, hành là những trạng thái tâm lý như mừng, giận, buồn, vui, tham, sân v.v… còn thức mới là ý thức. Những phẩm tính được điều hòa thông cảm liên hệ chặt chẽ, như tư tưởng Nho đã nhận định:

    Những trạng thái tâm lý như mừng, giận, buồn, vui chưa tác dụng ra thì gọi là Trung, tác dụng mà đều trúng tiết điệu thì gọi là Hòa”.

    (Hỷ nộ ai lạc chi vị phát vị chi trung, phát nhi giai trúng tiết vị chi hòa – Trung Dung)

    Có trung có hòa, có lý có tình, có thể có dụng, hai phương diện không rời nhau, hỗ tương quan hệ đấy là Tâm thức. Cái Trung là thể, nguồn gốc của Tâm thức. Cái thể ấy liên tục bảo hợp duy trì quân bình cho ý thức chỉ là những trạng thái tác dụng trôi chảy biến đổi nhất thời như kinh nghiệm chứng minh. Không những tất cả sự phân hóa, dù phân hóa ra năng tri hay sở tri (Sujet – connaissant et objetconnu) đều giả thiết trước có dòng liên tục, cái “trung” không phân hóa thuần nhất, nhưng chính sự phân hóa cũng là thành phần của dòng liên tục thuần nhất ấy phát ra. Không có cái trung liên tục, tức là cái tâm thể duy tinh duy nhất ấy thì sẽ không có sự giác ngộ, hay đức sáng và cảm động mà người ta nội quan thấy trực tiếp. Bởi vì năng tri cũng như sở tri, chính một sự phân hóa trực tiếp của tâm thể, đều được liên hệ với nhau bằng và trong tâm thức bất phân, bởi thế mà trạng thái lý tưởng là quân bình giữa Thể và Dụng, cái chưa phát hiện và cái đã phát hiện. Cho nên Trung Dung của Nho gia cực tả cái trạng thái Trung Hòa ấy: “Đến điểm quân bình của tinh thần thì Trời đất yên vị, muôn vật sinh nở”. (Chí trung hòa thiên địa vị yên, vạn vật dục yên).
     
  3. caycanhthiennhien

    caycanhthiennhien Administrator Thành viên BQT

    Và Vasubandhu (Thế Thân) mới tuyên bố rằng: “Tất cả ba cõi (dục, sắc, vô sắc) đều chỉ là tâm thức”. (Tam giới duy tâm).

    Tâm thức ở đây gồm hai phương diện, một là nội dung của ý thức hay tinh thần với tất cả trạng thái biến đổi, hai là tâm thể bao hàm tất cả, thông suốt tất cả, miên tục tồn tại bất biến mà người ta trực tiếp kinh nghiệm trong tinh thần. Khi người ta nói ý thức là ý thức cái gì, và ý thức cái gì lại là tác dụng tự trong xuất ra, cho nên có tác dụng là có thể, có cái trung chưa phát xuất, và những tác dụng đã phát xuất. Cho nên có ý thức của ý thức (conscience de conscience).

    Sự thực, một nghệ phẩm với quá trình nghệ thuật có thể nhìn ở hai quan điểm, quan điểm cảm giác khác với quan điểm nội quan; quan điểm ba chiều dài, rộng, sâu hay cao của vật thể khác với quan điểm miên tục nhất quán; trong đó biểu hiện tất cả sự phân biệt, và ở đây là nguồn suối cho tất cả rung động và cảm hứng của tinh thần.

    Bất cứ thái độ nào của nghệ sĩ cũng do nghiệp quả mà ra cả như Buddha-ghosa đã xác định. Nghiệp quả vừa là chủ động vừa là kinh nghiệm tác động, vừa là khán giả vừa là diễn giả. Tùy theo cách thức một cá nhân hành động, mà kết quả thành tựu khác nhau, và sự giải thích cá nhân về kết quả ấy sẽ xác định kinh nghiệm, và bấy giờ lại ảnh hưởng vào toàn bộ cách thức hành động hay thái độ ở trên.

    Theo đấy mỗi cá nhân thực là kiến trúc sư về định mệnh của mình. Cái kiểu mẫu ấy do Tâm thức sáng tạo từ trong tiềm thức và vô thức và toàn diện sáng tạo hơn là do ý thức chỉ là quá trình phân hóa về sau. Vì lý do ấy mà khả năng sáng tạo của tâm thức có thể ví với nhà nghệ sĩ: “Tâm thức như một nghệ sĩ vì nó biểu hiện ra thiên hình vạn trạng nghiệp quả”.

    Theo Buddhaghosa thì hễ một ý niệm về một bức họa khích động Tâm thức thành nguồn cảm hứng, những khích động ấy trọng yếu cho nghệ sĩ để hình dung và hoạch định một tác phẩm tương lai. Nếu chúng ta hiểu Tâm thức ở đây như là hoạt động của ý thức mà thôi, chúng ta sẽ xác định rằng sáng tác nghệ phẩm hoàn toàn lệ thuộc vào quyết định và ý muốn của nghệ sĩ. Nghệ sĩ chỉ cần làm việc cho tinh xảo, lựa chọn đề tài cho khéo léo, vì nghệ phẩm ở đây chỉ là phản chiếu Tâm thức chứ không phải do Tâm thức tạo tác. Và một nghệ phẩm như thế, chỉ có ý thức hướng dẫn điều khiển, sẽ chỉ biểu hiện trong giới hạn của ý thức thời đại, không vượt được ra ngoài phạm vi ý thức hiểu biết, tác phẩm nghệ thuật ấy sẽ thích hợp với xu hướng của thời đại nói chung.

    Tuy nhiên quá trình sáng tác nghệ thuật có thể biểu hiện theo một cách trong đó ý thức cá nhân của nghệ sĩ đóng vai trò không trọng đại. Ở trường hợp này Tâm thức không còn được hiểu như là nội dung tác dụng của ý thức hay là quá trình ý thức. Tất cả dụng ý và tất cả đời sống ý thức cá nhân của nghệ sĩ chìm vào nguyên lực của những ý niệm và hội họa tràn ngập nghệ sĩ. Nghệ sĩ không điều khiển được chúng và biến đổi chúng theo với ý muốn. Trái lại chúng thôi thúc nghệ sĩ phải sáng tác và hình dung sự vật mà y không bao giờ sản xuất được một cách ý thức hay mong muốn. Ở đây nghệ sĩ chìm biến mất vào tâm thể thuần nhất quán thông: Nó là toàn diện trong kinh nghiệm trực tiếp. Đấy là bản tính của sự vật được trực giác, hơn là vật tướng ngoại biểu cân đối của không gian của nghệ sĩ điêu khắc hay hội họa. Ở đây không những là cái nhất quán miên tục thuần nhất quán thông biểu hiện ra trong một nghệ phẩm mà là cả cái nguồn sáng tạo phong phú vô hạn của tất cả hiện tượng biểu hiện nhất thời ở đấy nữa.
     
  4. caycanhthiennhien

    caycanhthiennhien Administrator Thành viên BQT

    Kinh nghiệm quán thông miên tục là nguồn cảm hứng vô hạn, khai phóng cho ý thức và giải thoát cho tâm hồn nghệ sĩ còn sự phân biệt giới hạn ẩn ức ý thức, giảm khả năng cởi mở của tình cảm rung động của nghệ sĩ để thích thú không cần có vật ngã làm đối tượng. Và chính sự phân biệt hạn chế che lấp làm cho người ta mất bản tính tâm linh để vận động trong cảnh giới của những thế lực mâu thuẫn xung đột. Rời bản thể tâm linh để nhập vào những tin tưởng về ngoại vật và cá tính tinh thần, người ta rơi vào sự chấp trược chính tác phẩm mình sản xuất.

    Ví như một nghệ sĩ sáng tác bức tranh con quỷ dữ tợn, rồi đứng trước mặt nó mà run sợ, thì tất cả những hình tướng ngu ngốc cũng tự mình tạo tác những đối tượng của thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác, xúc giác, rồi cùng với chúng lăn lộn trong vòng sinh tử và không hiểu bản tính đích thực của chúng nữa”. (Kasyapa-parivarta 67)

    Bởi vì đối với kẻ chưa giác ngộ, cái gì nó tin là có, thì có là biến thành. Quá trình sáng tác nghệ thuật của Tâm thức như thế nào, có thể mô tả hoặc như là một người bận tâm với sự biểu diễn trung thực nội dung nhất định của ý thức hoặc như là một người chỉ dùng sự phân hóa một cách ngẫu nhiên nhưng rất quan tâm đến kinh nghiệm về thực tại tự thân hơn là những hình tướng liên hệ gián tiếp của nó. Đối với tác phẩm nghệ thuật hai phương diện ấy rất trọng đại: Phương diện đối tượng và phương diện chủ thể của nghệ sĩ. Một tác phẩm chỉ do ý thức sáng tác và lệ thuộc vào ý thức chỉ có thể hiểu được ở cái gì mà nghệ sĩ đã dụng ý ngụ ở đấy. Nhưng vì quá trình ý thức không bao giờ hoàn toàn rời hẳn với cái bản thể nhất quán tồn tục thuần nhất của ý thức, nó đem lại cho tác giả kinh nghiệm mỹ cảm trực tiếp là nguồn cảm hứng. Cảm hứng là một tia sáng đầu tiên quán thông toàn diện, nó đem lại nhất khí cho một tác phẩm. “Khí vận sinh động” (Tạ Hách). “Văn phi sơn thủy vô kỳ khí”. (Văn chương không núi sông thì không có khí lạ) (Trần Bích San).

    Cái khí ấy là nguồn khởi hứng đầu tiên của nghệ sĩ, do trực giác về cái nhất quán trong tâm hồn đem lại, trước khi nhận thức phân hóa thành sở tri (objet-connu) và năng tri (sujet-connaissant). Cái Tâm nhất quán không phân tích được ấy là Sunyata (Chân Không) của nhà Phật, là cái Trung của nhà Nho.
     
  5. caycanhthiennhien

    caycanhthiennhien Administrator Thành viên BQT

    Vậy, khi nào người ta chú ý vào cái Trung nhất quán của Tâm thức sáng tạo nghệ thuật ở một tác phẩm thì người ta đạt được hứng thú cảm động phong phú bất tuyệt ẩn đằng sau, tại bên trong tất cả hình thức ngoại biểu của tác phẩm. Như thế cũng là khán giả tự đặt mình vào tâm hồn diễn giả khi sáng tác:

    Ngàn muôn năm âu cũng thế ni,
    Ai hay hát và ai hay nghe hát?

    (Nguyễn Công Trứ)

    Chính cái quan điểm nhìn ở cái Tâm nhất quán “Ngàn muôn năm âu cũng thế ni” ấy là đặc sắc của nghệ thuật Phật giáo do Tâm Thiền khởi hứng, bởi vì nghệ thuật Phật giáo cũng như triết học Phật giáo đòi giải phóng cho con người khỏi vòng trầm luân bể khổ, từ cõi mê sang bến giác của Phật tính Niết bàn. Bởi vậy, không bao giờ nghệ thuật Phật giáo nhằm vào hình tướng khách quan bên ngoài. Tất cả nét vẽ, sắc thái của bộ mặt Phật ở pho tượng hay bức họa là do nụ cười từ bi yên lặng không thuộc về thế gian này của chúng ta, mà là nụ cười viên mãn tâm linh rọi chiếu một ánh sáng linh động. Chính cái đức tính viên mãn siêu thời không ấy của Chân Không (Sunyata) linh động trong nghệ thuật Phật giáo đã đem lại cho nghệ phẩm giá trị hứng thú bất hủ vậy.

    Cái lúc đạt tới điểm vô thời không và bất khả tư nghị, chỉ có thể thuần túy trực tiếp kinh nghiệm được, chính ở đấy là nguồn lạc cảm vô biên; cho nên; một tác phẩm nghệ thuật bất hủ hấp dẫn ta hoài, ta không thấy chán vì luôn luôn ta tìm thấy ở đấy những giá trị mới, những thích thú mới không hết. Chúng ta linh nghiệm cái vô thời không tính trong một nghệ phẩm, và cái vô thời không tính ấy khai phóng tâm hồn ta khỏi trói buộc câu chấp nhỏ nhen, mở cửa cho ta vào nguồn sống tâm linh mà không một hệ thống trí thức suy luận nào có thể có được hiệu lực. Đấy là kết quả và giá trị của nghệ thuật chân chính; như nhà Phật theo Buddhaghosa quan niệm; vì nghệ thuật Phật giáo là nguồn cảm hứng phong phú, viên mãn, bất tuyệt của Tâm thức (Citta). Sáng tạo Tâm thức (Citta), sáng tạo nghệ thuật ấy chính là cái Tâm thiền của người nghệ sĩ…

    Theo TẠP CHÍ ĐẠO PHẬT NGÀY NAY
     
  6. caycanhthiennhien

    caycanhthiennhien Administrator Thành viên BQT

Chia sẻ trang này