Tranh Đường Phố 3d - Nghệ Thuật Đánh Lừa Thị Giác

Thảo luận trong 'Cây nghệ thuật' bắt đầu bởi admin, 2/1/18.

  1. admin

    admin Administrator

    Tranh Đường Phố 3d - Nghệ Thuật Đánh Lừa Thị Giác
    Chu Mạnh Cường ​

    Có bao giờ bạn bắt gặp trên đường một bức tranh, mà bạn tưởng là một người hay vật có thật và đang cử động trước mắt?- Nếu thế thì bạn đã được thấy một bức tranh ba chiều (3D), được vẽ ở trên tường hay nền đường của một tuyến phố. Tranh đường phố 3D là một loại tranh hãy còn rất mới ở Việt Nam, song lại khá quen thuộc trên thế giới từ hàng trăm năm.

    Nó có đặc điểm là bao giờ cũng chứa những họa tiết và hình vẽ cực kỳ sống động, nổi bật và đồ sộ, cho người xem những ảo giác về một điều có thực đang xảy ra. Đó có thể là một cảnh tượng rất xấu, gây lo lắng như một vụ hỏa hoạn, một tòa nhà bị đổ, một hố sâu hoắm, một bầy thú chạy loạn, một con tàu sa xuống … Cũng có thể là một cảnh vật rất đẹp và thanh bình như một hồ sen nở rộ, một dòng sông uốn lượn, một khu rừng xanh tươi… Mọi thứ trông thật đến nỗi như chạm được vào chúng, không chỉ vậy chúng còn tràn ra ngoài, ảnh hưởng đến xã hội.

    [​IMG]

    Tranh 3D của Leon Keer​
     
  2. admin

    admin Administrator

    [​IMG]

    Tranh 3D Marc Spijkerbosch​

    Vì sự bất ngờ nên tranh 3D luôn gợi ở người xem khá nhiều cảm xúc, hoặc vui buồn hoặc kinh hãi, song khi đã định thần và có thời gian ngắm kỹ thì đó sẽ là một cảm xúc hết sức vui vẻ- sảng khoái. Trước những sáng tạo tài tình của tác phẩm, ai nấy đều không khỏi kính phục các họa sỹ vì những cống hiến cho mỹ thuật và nhu cầu giải trí của cộng đồng. Tranh 3D vì thế rất được yêu chuộng, và thường có mặt ở khắp nơi, từ nhà ra ngõ, đường xá, công viên và hầu như thành phố nào cũng có.
     
  3. admin

    admin Administrator

    Thực ra, tranh đường phố 3D đã xuất hiện từ thời cổ Hy Lạp, khi mà danh họa Zeuxius xứ Heracle, sinh năm 464 trước Công nguyên, vẽ một bức tranh giỏ quả sinh động tới mức chim chóc bay tới mổ xẻ. Tuy nhiên, phải đến thế kỷ 16, nhờ những tác phẩm của các họa sỹ Italia thời Phục Hưng và họa sỹ Pháp trào lưu Trompe loeil, theo tiếng Pháp có nghĩa là đánh lừa thị giác, dùng để trang trí các bức tường biệt thự sang trọng, loại tranh này mới được biết chính thức. Đến thế kỷ 19, nó lại được các họa sỹ Anh cách tân theo những chủ đề mới, cho nội dung phong phú hơn, thay vì chỉ vẽ các nhân vật thần thánh thì đã bắt đầu đi vào khai thác thiên nhiên-xã hội, tạo ra cái tên tranh đường phố hiện đại. Song phải gần 100 năm sau, từ năm 1982 tranh đường phố 3D mới thật sự đạt trình độ tinh xảo với các hình khối, màu sắc cho các ảo giác vi diệu về một thực thể sống. Và phát minh ấy thuộc về công lao của họa sỹ Mỹ- Kurt Wenner (1958), nguyên là một nhà minh họa của NASA và bậc thầy về tranh siêu thực. Ông là người đầu tiên đã nghĩ ra kỹ thuật vẽ tranh phấn ba chiều, và đưa phong cách này đi khắp thế giới, đến nay đã hơn 30 năm. Kế tiếp ông, còn có các họa sỹ nổi tiếng khác như Julian Beever (1959, Anh); Eduardo Rolero (1964, Argentina); Remko Schaik (1967, Hà Lan); Edgar Muller (1968, Đức); Nikolaj Arndt (1975, Nga); Leon Keer, Ruben Poncia, Peter Westerink (Hà Lan); Tracy Lee Stum, Shawn McCann, John Pugh (Mỹ); Joe Hill (Anh), Manfred Stader (Đức); Martin Ron (Argentina); Marc Spijkerbosch (New Zealand)…

    [​IMG]

    Tranh 3D của Kurt Wenner​
     
  4. admin

    admin Administrator

    Sự huyền diệu của tranh đường phố 3D là nó có thể biến những thứ quen thuộc, giản dị trở thành một kỳ quan vĩ đại. Không chỉ cho người xem mãn nhãn, tranh còn khai mở trí tưởng tượng của họ và cho họ được trải nghiệm với những ảo ảnh như thể có thật. Điều kỳ lạ là nó thực chất chỉ là một bức tranh 2D, với những hình vẽ, màu sắc nằm bẹp trên tường hoặc đất, song khi chọn đúng góc nhìn thì toàn bộ những thứ la liệt ấy đột nhiên bay lên sừng sững. Mới đầu, chúng méo mó, lép kẹp song lúc này lại trở nên vuông vắn, đầy đặn. Hiện tượng trên là nhờ kỹ thuật biến hình phối cảnh (perspective anamorphosis), có nghĩa là bằng việc phối kết các hình vẽ ở xa gần, khiến chúng biến dạng- khi nhìn đúng hướng sẽ cho một bức tranh toàn cảnh, gần với mắt nhất với mọi thứ được trở về hình dạng tự nhiên là hình nằm ngang hoặc thẳng đứng. Nói như vậy thì tranh 3D không phải cứ nhìn ở đâu cũng ra 3D, mà chỉ thấy 3D khi nhìn đúng góc độ và thường là theo định hướng của tác giả.

    [​IMG]

    Tranh 3D của Shawn McCann​
     
  5. admin

    admin Administrator

    Anamorphosis đã ra đời vào đầu thời Phục Hưng và phát triển từ thời Baroque và Rococo. Kỹ thuật này được các họa sỹ dùng để vẽ các trần nhà của các biệt thự, cung điện và thánh đường châu Âu, miêu tả những kiến trúc cao vời và sự bay lượn bồng bềnh của các nhân vật thần thoại; một số ở gần, một số ở xa như thể họ đang trong một không gian ba chiều. Vẫn kỹ thuật này song các họa sỹ 3D hôm nay lại ứng dụng nó theo nhiều kiểu khác nhau, nhưng tựu chung vẫn là sự lồng ghép so le, đậm nhạt, to nhỏ khác nhau của các đối tượng, nhằm tạo ra các tầng lớp sống động. Và thường dùng các tấm gương hoặc ống kính anamorphosis để xem các hình phản chiếu. Chúng sẽ được đặt ở trước hoặc giữa bức tranh và qua quy luật phản chiếu sẽ biến đổi những hình méo mó, xiên vẹo bên ngoài trở thành hình ảnh bình thường trong gương. Theo thông lệ, một vật sẽ có một cái bóng ở ngoài, và trong trường hợp này thì những hình dưới đất chính là cái bóng của vật trong gương. Nhờ có gương 3D, có thể thấy hình chiếu 2D song để có hình 3D bằng mắt thường thì đó là một sáng tạo phi thường của họa sỹ. Họ phải biến một cách khéo léo và tỉ mỉ từng chi tiết của hình 2D trở thành 3D với nhiều công đoạn: phác, vẽ, đánh bóng, tạo khối, ánh sáng… dựa trên nguyên tắc về hình hộp và không gian. Do sự khó khăn, cầu kỳ, ban đầu trong nhiều thế kỷ, người ta chỉ vẽ tranh đơn hình (có một hình) và đến nay mới có tranh đa hình (đa sự vật- hiện tượng), bởi vì tranh đa hình khó hơn nhiều tranh đơn hình.

    [​IMG]

    Tranh 3D của Remko van Schaik​
     
  6. admin

    admin Administrator

    Nói chung, các bức tranh 3D đều được vẽ bằng phấn, bút chì và trên các vỉa hè, hành lang, lòng đường, quảng trường, nhà ga và bến bãi nên được gọi là tranh phấn và tranh vỉa hè. Nó có thể nằm trên mặt bê tông, mặt đất, cát, đá, gỗ, thủy tinh… Song cũng có lúc ta gặp một số tác phẩm được vẽ bằng màu nước, thậm chí có cả một loại tranh bằng sơn, đó là tranh chữ graffiti 3D. Khác với tranh trên đất, khắc họa chủ đề đa dạng, tranh graffiti thường ở trên tường và chỉ sáng tác chữ, ký hiệu- biểu tượng. Tuy nhiên, dựa theo tranh graffiti, hiện nay cũng có một số tranh có nội dung như trên mặt đất, được vẽ lên tường và nhờ mặt phẳng đứng làm cho mọi chi tiết dễ nhìn và thật hơn.

    [​IMG]

    Tranh 3D của Nikolaj Arndt​
     
  7. admin

    admin Administrator

    Về cách vẽ tranh 3D khá cầu kỳ và chính xác. Mỗi họa sỹ thường phải mất hàng tiếng tới nhiều ngày mới làm nổi một bức tranh. Để tạo nhanh, họ thường phải sử dụng nhiều thủ pháp, trong đó có việc phác thảo trên giấy, máy vi tính, cũng như có các vật mẫu và mô hình giúp so sánh. Khi đã định ra hình chiếu 3D của vật trên giấy thì sẽ vận dụng nó lên tường- mặt đất. Vấn đề là phải dùng bao nhiêu diện tích để hình vẽ được nổi lên dễ dàng, hoành tráng, hấp dẫn. Thường có một quy luật như sau: Càng gần đường chân trời bao nhiêu, càng phải dành nhiều diện tích cho vật bấy nhiêu. Song do đường phố hay bề mặt các công trình có hạn, nên người ta phải tận dụng từng diện tích được giao để dù nhỏ vẫn chuyển tải được nhiều nội dung lôi cuốn, xóa mờ ranh giới thực-hư. Thông thường một tác phẩm là do một người sáng tác nhưng vì tính chất phức tạp cũng có khi nó là sản phẩm của tập thể. Như đã nói tranh đường phố 3D chỉ là tranh hai chiều dưới đất. Cái để đưa nó thành 3D, chính là ảo giác từ các đường nét, hình khối, màu sắc và quan trọng hơn là hướng nhìn. Chỉ có thể nhìn ra tranh 3D ở một điểm nhất định nên các họa sỹ bao giờ cũng phải định hướng cho khán giả, để họ có thể nhìn thấy từ một điểm cho trước các hình vẽ sống dậy từ mặt đất. Thường trước hướng này, họ sẽ dựng một cái bảng, một tấm gương, một cái thìa (khay, bát) gì đó có thể soi bóng hoặc một ống kính 3D cho phép nhìn được ba chiều. Đôi khi họ cũng tự đứng, nằm, ngồi ở trên tranh, giúp người xem dễ có góc nhìn và cảm nhận sâu sắc hơn.
     
  8. admin

    admin Administrator

    Tranh đường phố 3D luôn lôi cuốn người xem bởi sự tráng lệ, bất ngờ và hài hước. Mỗi tác phẩm thường có khổ lớn, choán cả phần đường với những hiện tượng như thật. Về nội dung, đó có thể là bất cứ điều gì của đời sống hàng ngày lẫn mộng tưởng: Những phong cảnh, sinh hoạt văn hóa, các câu chuyện cổ- phim ảnh. Trong đó hay gặp nhất là kiến trúc- con người thời Phục Hưng và Ba rốc. Tùy vào phong cách, chủ đề mà mỗi họa sỹ có các tác phẩm độc đáo riêng. Người thì chuyên vẽ về những dòng suối, thác nước, rừng rậm, chim muông,… thể hiện cho các kỳ quan thế giới. Người lại vẽ những cảnh cháy nổ, tan chảy, sụp đổ, đuổi bắt… biểu thị cho các hiểm họa. Hoặc vẽ những vị thần, hành tinh, phi thuyền, sinh vật lai… hay tranh chữ có các ký tự, con số phức hợp ngụ ý về những điều mới lạ- bí ẩn. Đứng trước chúng,ta luôn bị đứng tim, choáng ngợp. Ngoài những cảm nhận rất thực về sự vật, còn có thể tiếp cận với những viễn cảnh- triển vọng, cho phép phát huy sức tưởng tượng và có những trải nghiệm thú vị, siêu phàm với các việc làm như cưỡi sư tử, lái tàu ngầm, vác vật ngàn cân, đánh nhau với người ngoài trái đất, người khổng lồ.... Khác với nhiều loại tranh thường giữ mãi nỗi lo phiền, khi xem tranh 3D, luôn thấy thư thái, vui vẻ. Vì thế, tranh đường phố 3D là một nghệ thuật có tính giải trí và biểu diễn rất cao. Đây cũng là loại tranh trưng bày miễn phí và cho nhiều mục đích khác nhau mà không gây ảnh hưởng đến chính trị, như để trang trí đường phố, xây dựng các chương trình quảng bá thương hiệu và du lịch. Do được vẽ bằng phấn nên tranh 3D thường có tuổi đời rất ngắn, hay bị mờ sau mỗi đợt mưa hay có xe cộ và người đi qua. Để có thể bảo quản tranh tốt, cần sự che chắn và bao bọc quanh mỗi tác phẩm. Có nhiều nơi, mọi người có thể vui chơi với chúng, song cũng cần có ý thức giữ gìn tranh lâu bền để những người khác chung vui. Hiện nay, ngoài trên đường, cũng có nhiều họa sỹ chuyển hướng sáng tác trong nhà, nơi có mái che, tường kính để ai nấy có thể tha hồ thưởng ngoạn các tác phẩm nghộ ngĩnh.

    [​IMG]

    Tranh 3D của Tracy Lee Stum​

    Ở mỗi nước, họa sỹ tranh đường phố được gọi với những cái tên rất khác nhau, như ở Italia là madonnaro, Đức- strassenmaler và Anh- screever. Hàng năm, họ đều tổ chức các cuộc thi và liên hoan tranh 3D ấn tượng. Cuộc thi đầu tiên, có quy mô nhỏ đã diễn ra tại London- Anh năm 1906, và có quy mô lớn, trở thành một ngày hội là festival quốc tế tại Grazie di Curtatone- Mantua- Italia năm 1973. Từ đó tới nay, đã có thêm nhiều festival lớn tương tự ở các nước, như liên hoan Lake Worth- Florida- Mỹ, Bella Via Monterrey- Mexico, StreetArt Wilhelmshaven- Đức… Mỗi dịp, có hàng nghìn người dự thi, để phá các kỷ lục thế giới như vẽ tranh lớn nhất, có nhiều cảnh vật nhất, có độ sâu (thật) nhất…

    CHU MẠNH CƯỜNG

    Nguồn: ape.gov.vn
     

Chia sẻ trang này